Thi THPT quốc gia 2015:

Không để học sinh 'lầm tưởng' về các cụm thi

TP - Tại hội nghị triển khai công tác thi THPT quốc gia 2015 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hôm qua, các hiệu trưởng trường THPT đã được đề nghị phải giải thích phổ biến kỹ với học sinh, không để các em “lầm tưởng” có sự khác nhau giữa cụm thi do trường ĐH chủ trì với cụm thi địa phương. 

Vừa qua Sở GD&ĐT Hà Nội đã tiến hành khảo sát và nhận thấy khá đông học sinh có nhu cầu dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, thậm chí có trường THPT 100% học sinh lớp 12 năm nay ở diện này. Vì thế UBND thành phố đồng ý thành lập một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì (còn gọi là cụm thi địa phương). Tuy nhiên, khi phổ biến hướng dẫn tổ chức kỳ thi, ông Bùi Quang Thái, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Nội nhấn mạnh, hai loại cụm thi chỉ khác nhau về đơn vị chủ trì, còn lại tất cả đều giống nhau. “Không nên để cho học sinh “lầm tưởng” có gì đó khác nhau giữa hai loại cụm thi này”, ông Thái lưu ý. 

 
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giải thích thêm: “Sở dĩ Bộ yêu cầu phải tổ chức 2 loại cụm thi là để tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, để thí sinh không phải đi quá xa nếu như chỉ có nhu cầu thi để xét tốt nghiệp. Trong thực tế học sinh có thể có tâm lý so sánh hai loại cụm thi với suy nghĩ thi ở cụm địa phương sẽ “dễ” hơn thi ở cụm liên tỉnh”. Ông Chất còn cho biết thêm, với cụm thi địa phương, thí sinh của các trường THPT ở khu vực gần các điểm thi của các cụm thi liên tỉnh cũng sẽ được gửi dự thi tại cụm thi đó. 

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định: “Nếu ở quận huyện nào có điểm thi của cụm do các trường ĐH chủ trì thì chúng ta thống nhất tất cả học sinh của quận huyện đó (dù chỉ để xét tốt nghiệp) đến cụm của trường ĐH thi. Chỉ có quận huyện nào không có điểm thi do các trường ĐH chủ trì thì mới tổ chức điểm thi do cụm địa phương chủ trì để đảm bảo khách quan, minh bạch”. 

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Sơn Tây lo ngại với ba bản khai khi đăng ký dự thi tương đương nhau về thông tin (bìa hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2) sẽ khiến học sinh các trung tâm GDTX dễ nhầm lẫn, bởi việc đòi hỏi các em tập trung tâm trí để kê khai hồ sơ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Một đại biểu khác thì phàn nàn yêu cầu phải quét ảnh thí sinh khi nhập dữ liệu là yêu cầu khó thực hiện, nó khiến công việc này kéo dài do việc quét ảnh rất mất thời gian trong khi có những trường có tới 600 – 700 học sinh lớp 12. Ông Chất cho biết, nhiều Sở GD&ĐT đã phản ánh với Bộ GD&ĐT về việc này. Tuy nhiên Bộ vẫn quyết tâm thực hiện. “Trong phần tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi, chúng tôi sẽ tập huấn thật kỹ cho các cán bộ được nhà trường giao làm nhiệm vụ nhập dữ liệu cho thí sinh”, ông Chất hứa.