Không đặt bình gas trong hốc kín

TP - Sau vụ nổ bình gas sập nhà ở Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Gia Mỹ, Viện trưởng Viện Công nghiệp Nhiệt, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyên, các gia đình không để bình gas trong hốc kín.
PGS.TS Trần Gia Mỹ

> Giây phút giải cứu hai vợ chồng bị nổ ga sập nhà
> Rò khí gas, bật công tắc điện cũng gây nổ
> Toàn cảnh vụ nổ bình gas, sập nhà qua video
> Những cách ngăn ngừa cháy nổ bình gas

PGS.TS Trần Gia Mỹ.
 

Hầu hết cháy nổ là do rò rỉ

Tai nạn rạng sáng 3-11 tại Hà Nội là do nổ bình gas hay khí gas?

Nhận định đấy phải để cơ quan điều tra thực hiện. Cá nhân tôi cho rằng cần phân biệt hai vấn đề về nổ mà mọi người bàn tán mấy hôm nay.

Thứ nhất, về nổ bình gas. Thực tế điều này rất khó xảy ra, vì bình chứa gas là bình thép có thể chịu được áp suất thiết kế 17bar, áp suất làm việc 6-7 bar. Trên thực tế có một số vụ nổ các lon gas bếp du lịch khi sang chiết (lẽ ra chỉ sử dụng một lần).

Thứ hai, về nổ khí gas, khí hóa lỏng LPG là hỗn hợp khí propan (~ 50%) và butan (~ 50%), ở áp suất khí quyển hỗn hợp ở thể khí. Nhưng khi nén lên áp suất 6-7 bar, hỗn hợp chuyển sang thể lỏng. Trong hỗn hợp với không khí, chỉ cần ở nồng độ khoảng 2%, nếu có nguồn năng lượng kích thích (ngọn lửa nhỏ, tia lửa điện), hỗn hợp có thể cháy nổ.

Vì vậy, thực tế hầu hết các vụ cháy nổ là cháy nổ hỗn hợp khí gas rò rỉ vào không khí. Quá trình cháy thông thường diễn ra ở áp suất môi trường. Còn nổ là cháy trong một không gian kín kèm theo sự tăng áp suất đột ngột. Không gian chứa hỗn hợp càng bé, càng kín thì độ tăng áp hay khả năng phá hủy càng cao.

Điện thoại di động cũng có thể gây họa

Vậy để sử dụng bình gas an toàn, cần tuân thủ các nguyên tắc chính nào?

Khí gas nặng hơn không khí nhiều (gấp khoảng 2,5 lần), nên phải đặt bình nơi thông thoáng. Bởi thế, trước hết, không được đặt bình gas trong các hốc kín. Tôi thấy hiện tượng này xảy ra khá phổ biến ở nhiều gia đình chỉ vì muốn sắp xếp đồ đạc trong bếp cho gọn gàng và cũng vì lý do nhiều gia đình không ưu tiên nhiều không gian cho khu vực nấu nướng khi thiết kế và xây nhà.

Ngoài ra, hệ thống bình gas – van điều áp - ống dẫn gas tới bếp phải kín tuyệt đối và cách xa các nguồn nhiệt hoặc thiết bị điện có thể gây tia lửa điện. Khi bếp gas đã bật cháy, cần thường xuyên để mắt theo dõi, không để nước sôi tràn xuống làm tắt bếp hoặc nồi bị khô nước, không để gió hoặc quạt làm tắt bếp đang mở khóa. Các hiện tượng này đều có thể dẫn đến rò rỉ khí gas.

Các khí propan và butan không mùi. Để dễ phát hiện sự rò rỉ của khí, nhà sản xuất đã pha chất có mùi rất đặc trưng. Khi ngửi thấy mùi này, cần mở toang các cửa, không được phép bật hoặc tắt các thiết bị điện.

Không được mang các nguồn có thể tạo tia lửa vào vùng khí rò rỉ khí gas như thuốc lá đang cháy, bật diêm, đốt nến, thậm chí, cả điện thoại di động. Tốt nhất, lúc đó, cần nhanh chóng khóa bình gas lại và yêu cầu nhà cung cấp đến ngay để hỗ trợ xử lý.

Cảm ơn ông.

Một hiện tượng mà chỉ trong giới kinh doanh gas mới biết, khi nói ra khiến nhiều người sởn da gà đó là tình trạng cắt tai, mài vo. Số là khi tung ra thị trường, mỗi hãng gas (cả nước có trên 80 hãng) đều có loại bình riêng bằng cách gắn chữ nổi (bằng kim loại) của hãng trên vỏ bình và đục thủng hoặc gắn chữ nổi trên tai bình gas.

Tuy nhiên, thị trường gas là thị trường giành giật khách hàng nên khi thu hồi vỏ bình về, hãng này lại có cả chục loại vỏ bình của các hãng khác. Nếu như không thỏa thuận đổi vỏ được giữa các doanh nghiệp với nhau hoặc vì nhiều lý do khác, nhiều hãng gas tìm cách cắt ngay cái tai bình gas của hãng kia để gắn tai của hãng mình lên.

Những dòng chữ nổi trên vỏ bình cũng được đưa vào máy mài cho phẳng. Cách hành xử kiểu điếc không sợ súng này dẫn đến nhiều vỏ gas bị biến dạng do qua máy hàn, cắt, khả năng chịu áp lực giảm. Đặc biệt, nhiều bình gas bị mài mòn quá mức có thể bị thủng trong quá trình vận chuyển, sử dụng.

 
Theo Báo giấy