Không công bằng

TP - Sau sự kiện Coca-Cola, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nước giải khát tại Việt Nam và Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ, được cho là chiêu để né thuế, mới đây Cục Thuế Bình Dương đưa ra một con số giật mình: Trung bình mỗi năm, Bình Dương có khoảng 50% doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN FDI) báo lỗ.

> Từ việc ‘Coca Cola liên tục báo lỗ’: Thanh tra các DN đồ uống
> Coca Cola VN liên tục báo lỗ: dấu hiệu bất bình thường

Cụ thể, trong năm 2011 (năm 2012 chưa có con số quyết toán), trong tổng số 1.490 DN FDI kê khai, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, có đến 721 DN báo lỗ, chiếm 48%.

Theo Cục thuế Bình Dương, trong vòng 5 năm, các DN FDI tại Bình Dương báo lỗ 25.682,603 tỷ đồng. Mà lỗ đồng nghĩa không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, sắc thuế quan trọng hàng đầu của bất cứ nền kinh tế nào.

Lỗ hổng trong việc quản lý thuế thực ra đâu chỉ thể hiện ở riêng Bình Dương. Bởi theo Tổng cục Thuế, năm 2012, tổng nợ thuế toàn ngành ước khoảng 45.000 tỷ đồng thì nợ thuế khó đòi chiếm tới 14%, tương đương khoảng 6.180 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với năm 2011.

Điều đáng lo ngại là trong 45.000 tỷ đồng nợ thuế, số nợ của DN nhà nước, DN FDI, DN ngoài quốc doanh chiếm tới 79%, tương đương 35.550 tỷ đồng.

Không chỉ tìm cách lách thuế, người ta còn tìm đủ mọi cách để trì hoãn, chây ì việc thực hiện nghĩa vụ này. Mà tiền thuế nộp cho Nhà nước suy cho cùng cũng là tiền của dân, nguồn lực được thu để đầu tư trở lại cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Trong khi đó, những người dân bình thường cũng đang phải chịu đủ loại khoản thuế và phí, từ VAT, thuế thu nhập cá nhân, phí bảo trì đường bộ… Người dân cũng luôn là đối tượng đầu tiên phải “san sẻ” với các doanh nghiệp xăng, điện, gas… mỗi khi họ bị tăng thuế.

Không công bằng khi người dân phải thực hiện không thiếu một nghĩa vụ thuế, phí nào, trong khi hàng chục ngàn tỷ đồng tiền thuế đang có “nguy cơ” thành “mây khói” do sự thiếu chặt chẽ của luật pháp cũng như công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Xét về bản chất, hành vi trốn thuế không khác gì “ăn cắp” của công. Và thật vô lý khi “ăn cắp” một thứ đồ có giá từ 2 triệu đồng trở lên đã bị xử lý hình sự, còn “ăn cắp” hàng trăm tỷ đồng vẫn cứ… ung dung.

Theo Báo giấy