Không có “vùng cấm” trong xử lý sai phạm

TP - Đồng chí Phan Diễn, UV Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về những sai phạm liên quan đến  Bộ GTVT và nghi án “chạy” án.
Đồng chí Phan Diễn

Cuộc trao đổi được thực hiện bên lề buổi khai mạc triển lãm “ Đảng Cộng sản Việt Nam- Cương lĩnh và thành quả” diễn ra tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chiều 12/4.

Trong thời gian qua, chúng ta đã tăng cường đáng kể cuộc đấu tranh phòng chống quan liêu tham nhũng. Chúng ta đã gặt hái được những kết quả nhất định, góp phần hạn chế tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Thế nhưng trong cuộc đấu tranh này chúng ta chưa đạt được yêu cầu đề ra: Chưa chặn đứng, đẩy lùi được tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Nhưng tôi nghĩ với quyết tâm của toàn Đảng, của toàn xã hội và với kinh nghiệm mà chúng ta thu được trong những năm vừa qua, tôi tin rằng sắp tới công cuộc xây dựng Đảng, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống quan liêu tham nhũng chắc chắn từng bước được ngăn chặn và đẩy lùi. Đảng ta nhất định làm được điều đó.

Bài học kinh nghiệm từ vụ việc xảy ra tại PMU18 và Bộ GTVT là gì, và chúng ta cần có định hướng mới trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới ra sao, thưa đồng chí?

Chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí không phải chỉ có quyết tâm mà được. Mà chúng ta cần hiểu rõ nguyên nhân đẻ ra quan liêu, tham nhũng.

Tôi nghĩ rằng, những vấn đề mà chúng ta cần phải thực hiện tốt hơn trong thời gian tới là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống Luật pháp, cơ chế chính sách phù hợp với giai đoạn mới;

Phải tăng cường một cách có hiệu quả việc phê bình và tự phê bình trong Đảng. Đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, ngay trong đời sống hàng ngày, trong từng đơn vị, địa phương;

Phát huy mạnh mẽ hơn nữa dân chủ trong Đảng, trong xã hội. Trong đó có vai trò quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Phát huy tốt hơn nữa các thể chế dân chủ như: Dân chủ tại các cơ quan đại diện của nhân dân, dân chủ trong thông tin báo chí, dư luận...

Và tất nhiên, chúng ta phải hết sức kiên quyết trong phát hiện và xử lý sai phạm. Xử lý nghiêm theo kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có “vùng cấm” nào. Không để ai có thể đứng ngoài kỷ luật của Đảng và không bị xử lý khi có sai phạm.

Trong những ngày gần đây, dư luận nêu nhiều về dấu hiệu sai phạm của một số cán bộ cao cấp (ở VPCP, Tổng cục Cảnh sát) liên quan đến việc “chạy” án cho Bùi Tiến Dũng. Vậy quan điểm của đồng chí về việc xử lý những sai phạm nếu có đối với các cán bộ này như thế nào?

Như tôi đã nói,  quan điểm của Đảng là bất cứ ai sai phạm đều bị xử lý theo kỷ luật của Đảng và theo Pháp luật của Nhà nước. Bất kể người đó là ai.

Có thể nói ngay rằng, hiện nay dư luận đang nói đến một số đường dây “chạy” án liên quan đến số người này. Nhưng chúng ta chưa nên khẳng định rằng những người đó đã có sai phạm.

Vì hiện nay, công tác điều tra còn đang tiếp tục. Chỉ khi nào có kết luận của cơ quan bảo vệ pháp luật thì chúng ta mới nói được ai sai phạm, sai phạm như thế nào.

Nhìn lại những sai phạm của một số cán bộ PMU 18, Bộ GTVT, hầu hết cán bộ, nhân viên tại đây đều biết nhưng họ không dám nói sự thật, không dám tố cáo hành vi sai phạm vì sợ. Đảng có cơ chế gì để khuyến khích và bảo vệ những người dám tố cáo tiêu cực và đấu tranh chống tiêu cực?

Đúng là như vậy. Chúng ta đang suy nghĩ là cần thiết phải xây dựng những quy tắc để khuyến khích và bảo vệ những người nói thẳng, nói thật, phát hiện sai phạm không để những người này bị trù dập.

Vậy đến bao giờ chúng ta có thể ban hành những quy tắc này, thưa đồng chí?

Tôi rất muốn quy tắc đó sớm được ban hành, nhưng các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng khi soạn thảo. Nhưng tôi cho rằng, với đòi hỏi của cuộc sống, tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ xây dựng được những quy chế bảo vệ đối với những người tố cáo sai phạm hay là chế độ trách nhiệm đối với những người đứng đầu.

Đồng chí vừa nói đến trách nhiệm của người đứng đầu. Với hàng loạt sai phạm xảy ra tại Bộ GTVT thì Bộ trưởng đã từ chức, Thứ trưởng Tiến bị bắt giam. Vậy chúng ta chỉ “khoanh” trách nhiệm đến người đứng đầu Bộ GTVT thôi sao?

Theo tôi, chúng ta đã có những cơ chế này. Vấn đề là thực hiện. Ví như các Bộ trưởng, các đồng chí có vi phạm...nếu mức độ nhẹ thì có thể phê bình, còn nếu nặng hơn có thể từ chức.

Trong trường hợp cụ thể, nếu Bộ trưởng vi phạm thì trách nhiệm của Chính phủ ra sao?

Tôi cho rằng trách nhiệm liên quan là có. Nhưng phải nói thế nào cho đúng mức.

Xin cảm ơn đồng chí!