Ông Bằng cho biết, dự thảo này chỉ cụ thể hơn Nghị định 138 của Chính phủ đã ban hành cách đây 5 năm để phù hợp với tình hình thực tiễn và các quy định của các Luật mới ban hành hoặc Luật sửa đổi bổ sung.
Một trong những vấn đề mà dư luận bức xúc và băn khoăn khi đọc Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục đó chính là quy định phạt tiền tổ chức dạy thêm không đúng đối tượng, không đúng nội dung đã được cấp phép. Ở tiểu học, với những trường học 2 buổi/ ngày theo quy định không được tổ chức dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thực tế, phụ huynh vẫn cho con đi học thêm ngoại ngữ, học thêm môn văn hóa để chuẩn bị thi vào lớp 6.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng sẽ xem xét. Tuy nhiên, ông Bằng nhấn mạnh khi làm quản lý nhà nước, đây chỉ là một công cụ để quản lý, không phải công cụ vạn năng. Với vấn đề dạy thêm, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, cụ thể hóa cho rõ để dễ áp dụng. Ông Bằng cũng khẳng định dạy thêm rất phức tạp, ranh giới mong manh. Thực tế, dạy thêm học thêm Bộ GD&ĐT không cấm hoàn toàn. Vì vậy, trong khi hoàn thiện Dự thảo, ban soạn thảo sẽ tiếp thu, cụ thể hóa hành vi.
Không “đè” giáo viên ra để phạt
Tại Dự thảo, các mức phạt đối với các hành vi vi phạm của giáo viên, giảng viên cũng được đưa ra rất cụ thể. Chính điều này khiến dư luận xã hội băn khoăn có hay không việc “đè” giáo viên ra để phạt. Ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng bên cạnh việc xử phạt, dự thảo Nghị định cũng có những quy định để bảo vệ nhà giáo. Nếu phụ huynh xúc phạm giáo viên cũng bị xử phạt.
“Đây cũng chính là công cụ để bảo vệ giáo viên” - ông Bằng cho hay. Còn về mức tiền phạt, ông Bằng cho rằng mức này nằm trong quy định. Trước đây Nghị định 138 quy định về xử phạt hành chính trong giáo dục ban hành năm 2013 đã có. Dự thảo Nghị định mới chỉ tăng hoặc giảm mức phạt đối với các hành vi. Cho nên hiện nay khi thiết kế ban soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến, đặc biệt các sở, các địa phương đều đề nghị tăng mức phạt để tăng tính răn đe. Tại Dự thảo, đối với cá nhân mức xử phạt mới chỉ dừng lại ở mức 20-30 triệu đồng, với tổ chức ở mức 60-80 triệu đồng.
“Chắn chắn trong xử phạt hành chính giáo dục, không có chuyện “phạt nguội” như giao thông. Khi xử phạt cũng phải xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích... Chứ không phải cứ “đè” ra phạt.
Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng
Tuy nhiên, để những quy định xử phạt không phản giáo dục, cứng nhắc như đã từng xảy ra khi thực hiện thông tư về dạy thêm học thêm, ông Nguyễn Huy Bằng cho biết sẽ tập huấn thật kỹ cho các địa phương. Khi tập huấn sẽ nói rõ ai được phạt. “Chắn chắn trong xử phạt hành chính giáo dục, không có chuyện “phạt nguội” như giao thông” - ông Bằng thông tin thêm. Khi xử phạt cũng phải xem xét đâu là động cơ, hành vi, mục đích... Chứ không phải cứ “đè” ra phạt.
Ông Nguyễn Huy Bằng cũng khẳng định so với lĩnh vực giao thông và các lĩnh vực khác thì xử phạt trong giáo dục là ít. Theo số liệu tổng kết thì có gần 30 trong tổng số 63 Sở GD&ĐT có số liệu xử phạt trong 5 năm thực hiện Nghị định 138 . Hơn một nửa sở còn lại chưa xử phạt lần nào.
Vì sao chưa xử phạt vượt sĩ số?
Trong Dự thảo có một quy định liên quan đến vấn đề đảm điều kiện dạy học. Trước câu hỏi liệu các trường ở Hà Nội, TPHCM và một số thành phố lớn có sĩ số vượt chuẩn của Bộ thì có bị phạt không? Ông Nguyễn Huy Bằng cho rằng bản thân ông biết Hà Nội có những trường vi phạm điều lệ, sĩ số lên tới 50 - 65 học sinh/lớp nhưng không đưa vào Nghị định. Tại sao không đưa vào? Vì không khả thi. Phạt xong đẩy học sinh đi đâu? Việc đảm bảo chất lượng dạy học không phải chỉ dùng một nghị định này để giải quyết mà còn phải dùng nhiều nghị định khác.
Một nội dung khác cũng liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học được đưa ra trong dự thảo Nghị định đó là không đủ giáo viên theo quy định. Vấn đề này đang gây rất nhiều bức xúc trong thời gian gần đây. Đó là các địa phương, các trường thiếu giáo viên nhưng không được tuyển. Theo ông Nguyễn Huy Bằng quy định xử phạt này được đưa ra là để phạt những trường có lỗi. Các trường phổ thông công lập thiếu giáo viên là do hoàn cảnh khách quan. Nhưng với các trường ĐH, họ không muốn tuyển giảng viên vì muốn tăng giờ giảng. Như thế mới vi phạm Nghị định.
Mặt khác, quy định về lộ đề thi bị xử phạt hành chính cũng đang gây ra tranh cãi trong dư luận. Trả lời vấn đề này, ông Bằng nói: “Lộ đề là đề thi bị công khai khi chưa được sử dụng. Còn trong Dự thảo lại quy định lộ đề trong thời gian thi, đưa bài thi, đề thi ra ngoài... Lúc này không còn khái niệm lộ đề nữa mà là lọt đề. Đúng là chỗ này lộ đề là phải tính lại”.