Bộ Công Thương lên tiếng:

Không có căn cứ nói các dự án bauxite Tây Nguyên kém hiệu quả

TPO - Trước việc có nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của các dự án bauxite ở Tây Nguyên, được nêu tại buổi tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Pan Nature) tổ chức cuối tuần qua, Bộ Công Thương khẳng định, đánh giá các dự án lỗ là "hơi vội vàng".

Theo Bộ Công Thương, hiệu quả kinh tế của Dự án alumin Tân Rai đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cho thấy, dự án có hiệu quả với thời gian lỗ kế hoạch dự kiến là 4 năm và thời gian thu hồi vốn là 11,5 năm. Đáng chú ý, giá bán alumin trên thế giới hiện đã bước vào chu kỳ tăng. Mức giá hiện nay trên đã vượt mức dự báo tăng giá alumin trong tính toán, do vậy, hiệu quả kinh tế của dự án tăng lên, thời gian lỗ kế hoạch dự kiến sẽ giảm, thời gian thu hồi vốn cũng giảm theo.

“Đánh giá của Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho thấy, dự án Tân Rai lỗ kế hoạch 4 năm đầu, Nhân Cơ lỗ 5 năm đầu do phải trả nợ các khoản vay đến hạn…nên việc năm 2015 và một vài năm tiếp theo, các khoản lỗ mang tính chất lỗ kế hoạch theo dự kiến mang tính qui luật. Vì vậy, đánh giá “nếu sản xuất 660.000 tấn bôxít sẽ lỗ khoảng 37,4 triệu USD” là vội vã, thiếu cơ sở”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cũng đưa ra nhiều thông tin phản biện các ý kiến cho rằng các dự án tại Tây Nguyên sử dụng công nghệ khai thác bauxite chưa phù hợp.

Theo thông tin của cơ quan này, nhà máy alumin Tân Rai áp dụng công nghệ Bayer châu Mỹ (công nghệ được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới cho các nhà máy alumin chế biến quặng bauxite gipxit). Các vấn đề về công nghệ đã được chuyên gia của Hội đồng khoa học xem xét một cách thận trọng và kỹ lưỡng, có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn.

“Dự án khai thác bauxite không thể có lỗ và chịu thiệt hại phát sinh do giảm công suất thiết kế. Định mức sử dụng quặng, tinh quặng bauxite phụ thuộc nhiều vào chất lượng quặng bauxite đầu vào. Đối với quặng bauxite Tây Nguyên hàm lượng trung bình, nhiều tạp chất nên việc tiêu hao quặng cao hơn so với quặng bauxite của một số quốc gia như Úc, Braxin.....là điều dễ hiểu”, Vụ Công nghiệp nặng lý giải

Đảm bảo an toàn môi trường

Về những ý kiến cho rằng có sự ưu đãi đặc biệt quá mức đối với dự án điện phân nhôm Trần Hồng Quân, Bộ Công Thương khẳng định, dự án mua điện ở cấp điện áp 220kV, không mua ở cấp điện áp sinh hoạt. Trạm biến áp 220kV do Chủ đầu tư xây dựng, vì vậy, giá bán, giá thành điện bán cho dự án Trần Hồng Quân không có chi phí trạm biến áp (gồm chi phí khấu hao cơ bản, chi phí sửa chữa lớn v.v…).

Việc mua điện ở cấp điện áp 220kV có giá thấp hơn ở các cấp điện áp thấp hơn là đương nhiên do ở cấp điện áp thấp các đơn vị bán điện phải đầu tư thêm  các thiết bị để hạ áp và lưới phân phối. Việc so sánh giá bán điện bình quân (chủ yếu ở cấp điện áp thấp) với việc mua giá điện ở cấp 220KV là khập khiễng và phiến diện.

Bộ đã có văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án Trần Hồng Quân trong 10 năm (giai đoạn 2016-2025) với số tiền 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỷ đồng). Vì vậy việc cho rằng hằng năm nhà nước bù lỗ 3.000 tỷ đồng/năm là thiếu cơ sở.  Ngoài ra, Bộ cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án Trần Hồng Quân liên quan đến vấn đề này. Dự kiến chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho Dự án trong 10 năm giai đoạn 2016-2025 là 229 triệu USD (khoảng 4.800 tỷ). Vì vậy, việc cho rằng hằng năm Nhà nước bù lỗ 3.000 tỷ đồng/năm là thiếu cơ sở.

“Theo tính toán nộp ngân sách giai đoạn 2016-2045 của dự án bình quân 14 triệu USD/năm. Nếu trừ đi chi phí Nhà nước hỗ trợ về giá điện cho dự án trong 10 năm với số tiền 229 triệu USD, dự án còn dư nộp ngân sách 190 triệu USD. Tỉnh Đăk Nông là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn vì vậy dự án Trần Hồng Quân thuộc diện đặc biệt ưu đãi đầu tư, được nhà nước hỗ trợ theo Luật đầu tư. Việc nhà nước hỗ trợ chuẩn bị mặt bằng là phù hợp với các qui định hiện hành, kể cả hỗ trợ 1.200 tỷ (khoảng 54 triệu USD)”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.