Bauxite Tây Nguyên-Những điều mắt thấy

Bauxite Tây Nguyên-Những điều mắt thấy
TP - PV Tiền Phong có mặt tại Tây Nguyên ngay trước thềm cuộc hội thảo khoa học quốc gia về tác động môi trường kinh tế, xã hội trong khai thác sản xuất alumin - nhôm của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Hội thảo do Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hôm nay (9/4) ở Hà Nội, ghi nhận những điều mắt thấy ở vùng đất Tây Nguyên giàu văn hoá và tài nguyên này.

Bauxite Tây Nguyên-Những điều mắt thấy ảnh 1
Công trường khai thác quặng alumin tại Đăk Nông. Ảnh: Hoàng Thiên Nga

Bùn đỏ

Bauxite Tây Nguyên-Những điều mắt thấy ảnh 2
Bản đồ quy hoạch dự án Nhân Cơ

Tây Nguyên đang mùa mưa lớn. Đã nhiều năm quen với thời tiết ở đây, Đại tá Bùi Quang Tiến, Tổng Giám đốc Cty CP Alumin Nhân Cơ (thuộc Tổng Cty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng, đơn vị được giao xây dựng dự án ở xã Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lap, tỉnh Đăk Nông), đầu trần dầm mưa đưa các phóng viên ra mặt bằng xây dựng tổ hợp nhà máy.

Những quả đồi thoải đã được san phẳng dành một mặt bằng rộng bằng mấy sân vận động đỏ rực màu quặng. Máy ủi, xúc, xe tải và hơn 100 công nhân.

Cạnh khu mặt bằng, một hẻm sâu được khép chặt thành hồ cực lớn bởi bốn bề đồi cao cách khu dân cư khá xa. Đại tá Tiến chỉ tay, đây chính là hồ chứa bùn đỏ - chất thải có lẫn xút dư (NaOH) sau xử lý quặng từ nhà máy.

Theo tính toán của Dự án Nhân Cơ, khi đi vào sản xuất chính thức với công suất thiết kế đã được duyệt, mỗi năm nhà máy sẽ thải ra hồ này 800.000 mét khối bùn đỏ.

Với diện tích từ 50 – 60 ha khai thác quặng hằng năm để nhà máy đạt công suất 600.000 tấn sản phẩm alumin, khoảng 30 năm nữa hồ này sẽ bị lấp đầy bởi bùn đỏ.

Khi truy tìm mặt bằng cho Dự án ở Nhân Cơ, theo một số chuyên gia, nghĩa địa bùn đỏ - nơi chôn lấp chất thải này, chính là nước cờ đầu tiên phải tính vì sự nguy hại của nó.

Được thải ra lẫn với xút dư, hóa chất cần thiết trong xử lý quặng theo nguyên tắc Bayer mà thế giới sử dụng phổ biến hiện nay để sản xuất alumin, nếu thấm vào lòng đất hoặc tràn ra trên bề mặt đất, sẽ gây ra tàn phá khốc liệt.

Người và động vật nếu dùng phải nguồn nước có ô nhiễm chất thải này, chắc chắn bị bệnh tật và đe dọa tính mạng.

Đặc điểm tự nhiên của vùng có các hồ chứa bùn đỏ của dự án, theo các nhà khoa học, là có địa thế cao, gió lớn về mùa khô và mưa nhiều về mùa mưa (thường là gấp đôi lượng mưa trung bình của cả nước).

Việc giữ cho hàng triệu tấn bùn đỏ năm này qua năm khác trong các hồ chứa không bị gió bốc bay đi lung tung hoặc không trôi xuống các vùng chung quanh sẽ rất tốn kém và nhiều rủi ro.

Trong phòng thí nghiệm, tiến bộ công nghệ và khoa học kỹ thuật ngày nay hoàn toàn có khả năng xử lý vấn đề bùn đỏ và nước thải, được ứng dụng thành công phần nào trong thực tế ở quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, có hai vấn đề nan giải là giá thành và sự phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên nơi có vấn đề phải xử lý. Vì vậy, đến nay chưa nước nào trên thế giới có thể xử lý có hiệu quả thỏa đáng vấn đề bùn đỏ.

Riêng nước Mỹ có tới 26.000 km sông suối bị ô nhiễm do khai thác mỏ chưa có cách gì giải quyết ở mức độ có thể chấp nhận được (Sheran – WME – Australia).

Nước bùn đỏ của dự án Nhân Cơ, nếu xử lý không khéo, có nguy cơ gây ô nhiễm các suối hồ trong vùng và nguồn nước cung cấp cho các thủy điện trên suối Đăk R’Tih.

Nhà máy tại Nhân Cơ, được đặt ở vùng trung tâm rất giàu quặng bauxite (quặng hầu hết lộ thiên hoặc chỉ sâu cách mặt đất từ một đến hai mét, và trữ lượng ước tính tới vài tỷ tấn quặng tinh).

Dẫn phóng viên đi quan sát thực tế quanh hồ, Đại tá Tiến khẳng định vị trí hồ rất đắc địa với đồi cao bao quanh khép kín, không có lối thoát ở các vách đồi, nền đáy cứng chắc, và hoàn toàn không có dân sinh sống gần hồ.

Dự án Nhân Cơ nằm ở vùng đầu nguồn suối Đăk R’Tih – nguồn nước chính của các nhà máy thủy điện nằm trên sông Serepok. Dự án alumin này, cũng như dự án ở Tân Rai (thuộc tỉnh Lâm Đồng), cần khoảng 15-30 triệu m3 nước /năm.

Nhiều nhà khoa học băn khoăn về một giải pháp nước thỏa đáng trước thực trạng lấy nước cho việc này thì lại có khả năng làm mất hay thiếu nước cho yêu cầu tại chỗ cho dân sinh, trồng trọt và cho thủy điện.

Có ý kiến đề xuất, để lấy đủ nước cho dự án Nhân Cơ, có lẽ phải tính đến việc xây dựng hệ thống lấy nước từ sông Đồng Nai dài hàng chục cây số bơm lên độ cao phải đạt là hơn 300m – quá tốn kém kinh tế.

Tuy nhiên, quan chức của dự án cho biết tại hiện trường rằng sẽ lợi dụng địa hình để tạo những hồ nước nhân tạo đón nước mưa. Ông tin lượng mưa ở Tây Nguyên dư sức phục vụ tổ hợp, và dự án không sử dụng nước ở các hồ, suối tự nhiên gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của bà con trong vùng.

Công nghệ quốc tế

Theo chuyên gia của dự án, việc xử lý chất thải có sự tham gia công nghệ hệ thống tự động hóa đo lường giám sát khí thải liên tục của BNF (Singapore) và hệ thống xử lý nước thải của GE Infrastructure Water and Process Technologies (Mỹ).

Viện Nghiên cứu Cơ khí, Bộ Công Thương, cũng chủ trì các hội thảo khoa học với chuyên gia tư vấn nước ngoài đến từ hãng Alcoa Inc…, để tính toán, lựa chọn phương án thải bùn đỏ, và các biện pháp đảm bảo an toàn cho hồ thải bùn đỏ Nhân Cơ.

Hồ này sẽ do nhà thầu EPC thiết kế, đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành về môi trường cam kết, đảm bảo hệ số thu hồi xút dư là lớn nhất, đảm bảo an toàn cho nước mặt và nước ngầm trong khu vực, và đảm bảo cho việc hoàn nguyên phục hồi nhanh môi trường.

Trong đó, việc bơm hút nước lẫn xút dư từ hồ bùn đỏ quay trở về phục vụ xử lý quặng trong nhà máy sẽ là việc quan trọng nhất, vừa tiết kiệm xút (hóa chất này rất đắt), vừa chống tràn hồ gây ô nhiễm.

Ngoài việc gia cố bằng chất liệu đặc biệt quanh và đáy hồ chống thấm, phía trên hồ còn được tính toán dựng vòm kín chống nước mưa tự nhiên. Bùn đỏ càng về sau càng cứng chắc, tự chống thấm đối với nước lẫn xút. Theo Đại tá Tiến, công nghệ này, có tham khảo từ Úc, Nga, Trung Quốc.

Khi tới Lâm Đồng, PV Tiền Phong cũng được tham quan, tìm hiểu về dự án khai thác, sản xuất alumin Tân Rai, và cũng thấy rõ quy trình mặt bằng về xử lý bùn đỏ tương tự. 

Dự án cho cả khu tổ hợp ở đây đang đi dần về giai đoạn cuối, sớm có sản phẩm alumin đầu tiên vào năm sau với công suất tương đương ở Nhân Cơ.

Dự án Tân Rai nằm ở vùng các suối đầu nguồn cung cấp nước cho các sông La Ngà, Đồng Nai, là các nguồn nước chính của thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An.

Với địa thế vùng thượng nguồn, dự án Tân Rai có nguy cơ gây ô nhiễm cho thủy điện Đàm Thuận – Đa Mi và hồ Trị An (nguồn nước chính của thủy điện Trị An và tỉnh Đồng Nai).

Tuy nhiên, theo ông Tiến và ông Mạnh, các đơn vị thiết kế và thi công cam kết xử lý các tác động xấu về môi trường, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ về công nghệ, tuân thủ Luật Bảo vệ Môi trường. TKV, cũng như hai dự án, luôn chấp nhận mọi sự giám sát của cơ quan chức năng và nhân dân và dám chịu trách nhiệm.

Chủ tịch HĐQT TKV, ông Đoàn Văn Kiển, từng có báo cáo lên Chính phủ và nhiều bộ, ngành liên quan (một phần báo cáo này được nhắc lại tại hội thảo hôm nay), nêu rõ những thách thức và rủi ro.

Dự án khai thác thử nghiệm ở Tân Rai và Nhân Cơ, được biết, sẽ được các cơ quan quản lý và khoa học tiếp tục theo dõi, đánh giá các tác động nhiều mặt.

Một chuyên gia chia sẻ, con đường phát huy lợi thế nước đi sau và phát triển bền vững để sớm trở thành quốc gia hiện đại đòi hỏi sự nỗ lực nghiêm túc và nghiêm khắc hơn nhiều lần về mọi phương diện.

Một trong những biểu hiện của nỗ lực nghiêm túc đó chính là ý kiến phản biện của các nhà khoa học tại hội thảo hôm nay ở Hà Nội. 

MỚI - NÓNG