Không chỉ để tự vệ

Ngày càng có nhiều nữ công nhân viên tham gia các khóa học võ vừa để tự vệ, vừa giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc bận rộn.

Không chỉ để tự vệ

> Mỗi năm có 900 trẻ em bị xâm hại tình dục
> Hai nữ sinh dũng cảm bắt cướp

Ngày càng có nhiều nữ công nhân viên tham gia các khóa học võ vừa để tự vệ, vừa giải tỏa căng thẳng sau những ngày làm việc bận rộn.

Học cách tự vệ khi bị tấn công bằng dao. Ảnh: N.L .

Giữ sức khỏe, kết bạn và… làm đẹp

 Điều quan trọng nhất qua những khóa học như thế này là các chị em thấy tự tin hơn nhiều để xử lý một số tình huống nguy hiểm trong cuộc sống 

Võ sư Lê Hoàng Mai

“Ban đầu, tui cứ nghĩ học võ té uỳnh uỵch như vậy chắc gãy xương mất! Nhưng, thực tế không phải vậy…”. Thấy tôi là học viên mới “ra sân” lần đầu, chị Ninh Thị Tuyết Nhung (Công ty du lịch Festival), trấn an. Như một số chị em khác, chị Nhung liên tiếp tham gia 2 khóa học Kỹ năng tự vệ dành cho nữ công nhân, viên chức, người lao động tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Sau khi cả lớp thực hiện những động tác khởi động, võ sư Lê Hoàng Mai (huấn luyện viên trưởng bộ môn aikido, Cung văn hóa Lao động TP.HCM) và những học trò của ông bắt đầu ôn lại kỹ thuật té ngã, hóa giải khi bị đối phương nắm tóc. Bước vào bài học mới, võ sư Mai mời ngẫu nhiên vài học viên lên tự xử lý khi bị siết cổ. Mấy cô gái la oai oái vì sợ và đau, tay chân vung đập loạn xạ. “Đá vào chỗ hiểm ấy!”, lời mách nước của một học viên khiến cả lớp cười ồ.

Chị Lê Thị Kim Chi, một hướng dẫn viên du lịch, nêu lý do tham gia khóa học này: “Khi khách gặp sự cố gì hoặc khi chứng kiến những điều bất bình trên đường đi, mình cũng có thể can thiệp”. Không những vậy, theo chị Chi, việc học võ còn tạo cơ hội cho chị kết bạn, rèn luyện sức khỏe rất tốt, trong đó môn múa gậy giúp cánh phụ nữ có dáng đẹp, eo thon…

Là một trong những người siêng năng đến sân tập, chị Tô Thị Tuyết Nga, nhân viên phục vụ trong một trường mầm non ở Q.5, TP.HCM, hồ hởi giải thích: “Tôi học võ trước là để tự vệ, sau nữa là rèn luyện sức khỏe dẻo dai. Học không biết chán, không biết mệt vì thầy pha trò rất vui”.

Hai tuần nay, đón con trai từ nhà trẻ, chị Nguyễn Thị Thu Trang (cán bộ ngành thuế) thẳng tiến… tới sân tập. Đến lượt mẹ lên thực hành các thế võ, con ở dưới hào hứng cổ vũ. Chị Trang cho biết, học võ giúp chị giảm căng thẳng rõ rệt sau những ngày làm việc bận rộn. “Dù chỉ học vài buổi cũng vẫn hơn là không học gì”, chị Trang khẳng định.

Tự tin hơn trong cuộc sống

Với phương châm: “Văn ôn võ luyện, không tập là quên hết”, cô lớp trưởng Võ Thị Liên (nhân viên kế toán kiểm toán) tiếp tục đăng ký khóa học thứ hai. Cuối kỳ học, cô còn phát động mọi người mời giáo viên đi dã ngoại.

Chị Ninh Thị Tuyết Nhung kể thêm một số điều thú vị khác trong lớp võ. Này nhé, chúng ta có thể mặc đồ công sở (tất nhiên, trừ… váy!) từ chỗ làm đến sân tập luôn, không buộc phải thay đồ võ. Đặc biệt, chị tỏ ra tâm đắc với những “ngón đòn” cơ bản có thể ứng dụng ngoài đời để tự vệ, như: bị đối phương cởi mũ bảo hiểm đánh đột ngột, bị kẻ say rượu nắm tay sàm sỡ, bị túm tóc khi “oánh” nhau…

Trao đổi với PV, võ sư Lê Hoàng Mai chia sẻ: “Khi gặp va chạm, nhiều phụ nữ thường thụ động, chỉ biết ôm đầu chịu trận. Phần lớn họ cũng e ngại học võ vì sợ đau. Do vậy, điều quan trọng nhất qua những khóa học như thế này là các chị em thấy tự tin hơn nhiều để xử lý một số tình huống nguy hiểm trong cuộc sống”.

Hứng thú với lớp học, nhiều nữ công nhân, giới văn phòng, những người nội trợ háo hức đi luyện võ vào các tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần. Trong đó, có những công nhân không ngại đường xa, đêm hôm chạy xe từ những huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn… đến trung tâm thành phố để học. Đa phần chị em trong tuổi thanh niên, song cũng không hiếm những trường hợp trên 50 tuổi, thậm chí có người đã ngấp nghé tuổi 60.

Bồng con đi... đăng ký học võ

Trong tháng 10-2012 và tháng 3-2013, Cung văn hóa Lao động TP.HCM tổ chức miễn phí 2 khóa học Kỹ năng tự vệ dành cho phụ nữ. Mỗi khóa kéo dài gần một tháng (12 buổi) với những nội dung: Kỹ thuật té ngã cơ bản, hóa giải khi bị khóa tay, nắm tóc hoặc bị siết cổ, bị bạo hành hoặc có nguy cơ bị hiếp dâm... Bình quân, có 100 phụ nữ tham gia mỗi lớp, trong đó không ít chị em bồng con đến đăng ký học.

Theo Như Lịch
Thanh Niên

Theo Đăng lại