Không bình ổn quá rộng

TPO - Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật giá. Có ý kiến cho rằng, phạm vi hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá được quy định trong danh mục là quá rộng, ảnh hưởng đến quy luật cung cầu.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục. Cơ quan có thẩm quyền chủ động và chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá.

Do đó, mặc dù danh mục gồm nhiều hàng hóa, song trên thực tế, số phải áp dụng bình ổn rất ít; nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa nào.

Để bảo đảm tính ổn định và bao quát của Luật thì vẫn cần thiết phải xác định danh mục với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã loại khỏi danh mục một số mặt hàng: sắt, thép, xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường sắt loại ghế ngồi cứng... và chỉnh sửa một số chi tiết khác.

Theo đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), quỹ bình ổn xăng dầu dư luận băn khoăn và có nhiều ý kiến khác nhau. Đây là quỹ do người dân đóng góp, cần phải sử dụng minh bạch, hiệu quả.

Cũng theo đại biểu, nên có cơ chế hội đồng tư vấn thẩm định giá để đảm bảo việc định giá chính xác hơn.

Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, còn tình trạng bỏ ngỏ về giá, ví như giá thuốc giá tăng tràn lan dân không biết kêu ai, không ai chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, thanh tra chuyên ngành về giá theo quy định chưa đủ còn. Cần làm rõ nguồn quỹ bình ổn giá trong đó có nguồn từ nhà nước và xã hội đóng góp.

“Đồng thời, nên bổ sung quy định xử lý những hành vi vi phạm luật giá” – Ông Bình kiến nghị.

Có ý kiến cho rằng, bình ổn giá hiện nay chưa bảo đảm tính công bằng do cơ bản chỉ áp dụng ở một số thành phố lớn, tại siêu thị, cửa hàng lớn, những nơi người nghèo, nông dân, học sinh, sinh viên không thể tiếp cận.

Để khắc phục tình trạng này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung những quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương trong bình ổn giá vào Điều 18 của Dự thảo luật.

Nhà nước qui định khung giá điện

Đa số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tiêu chí và xác định ngay trong Luật Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Quy định cụ thể trong Luật Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. Bổ sung quy định về thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc điều chỉnh Danh mục căn cứ vào tình hình thực tế, phù hợp với từng thời kỳ.

Đồng thời, loại bỏ mặt hàng “xăng, dầu thành phẩm” khỏi Danh mục vì trên thực tế, doanh nghiệp đã và đang tự định giá xăng dầu phù hợp với giá thị trường quốc tế.

Về mặt hàng điện, một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát được giá điện, góp phần ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh thì Nhà nước nên định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu độc quyền nhà nước.

Về vấn đề này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, điện là mặt hàng thiết yếu đối với đời sống, sản xuất, kinh doanh; đồng thời lại là mặt hàng độc quyền kinh doanh.

Trong điều kiện giá điện thường xuyên biến động như hiện nay, việc phải kiểm soát, giữ ổn định giá điện là cần thiết. Tuy nhiên, việc định giá điện phải tuân thủ nguyên tắc: Khâu nào thuộc độc quyền nhà nước thì khâu đó do Nhà nước định giá; Việc định giá phải theo cơ chế thị trường nhưng phải có lộ trình; trong một số khâu cần có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với tình hình thực tiễn; Phải bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, Nhà nước định mức giá cụ thể đối với: giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước.

Đối với các khâu: phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện.

Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2013 và đề án đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Nhà nước quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường và phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.

Theo Viết