Từ nhiều tháng nay, chiều chưa tắt nắng là người dân ở ấp 5, xã Thanh Sơn đều vội vã trở về nhà, không dám nán lại trong rẫy vì lo đàn voi ra “thăm” không tránh kịp. Trước đây, voi thường 22-23 giờ mới ra và 4-5 giờ sáng sẽ trở về rừng, song hiện nay voi xuất hiện khá sớm.
Hơn 10 ngày qua, ông Lưu Văn Huy ở ấp 7, xã Thanh Sơn vẫn chưa hết lo âu vì vườn chuối cấy mô sắp đến kỳ thu hoạch trị giá hàng trăm triệu đồng đã bị voi phá tanh bành đêm 25/6.
Đêm hôm sau, đàn voi vẫn tiếp tục vào rẫy chuối của ông Huy càn quét những gì còn sót lại. Theo ông Huy hơn 2.000 bụi chuối, 40 cây sầu riêng 1 năm tuổi bị voi phá nát.
Trước đó, đêm 17/6, đàn voi này đã vào vườn nhà bà Nguyễn Thùy Linh quật gãy ngang 14 cây xoài Đài Loan và giẫm nát 20m ống tưới. Bà Linh cho biết, những cây xoài này là giống xoài đặc sản có giá trị và đã được 11 năm tuổi đang thời kỳ cho trái sung sức. Có khoảng 500 ký xoài đã bị voi ăn và đạp hư hỏng.
Ông Dương Hoàng Tiến ở ấp 5 kể lại, tối 27/6, đàn voi đã phá sập căn nhà bếp mái tôn, vách ván sau đó ăn hết 50kg gạo, 40kg lúa và giật phá toàn bộ chén bát, nồi niêu của gia đình. Những gia đình làm hàng rào kiên cố cũng không cản được sự càn quét của bầy voi rừng. Gia đình ông Phan Văn Út là điển hình khi bị voi kéo hỏng 120m lưới rào B40, còn gia đình bà Nguyễn Thị Anh bị phá hỏng 95m hàng rào.
Thống kê từ Hạt Kiểm lâm huyện Định Quán cho thấy, từ ngày 11/6 đến ngày 30/6 đàn voi rừng có 8 đợt ra khu vực dân cư kiếm ăn gây thiệt hại các loại cây trồng, tài sản của 14 hộ dân. Ông Nguyễn Văn Chiểu, Phó hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm Định Quán cho biết: “Hàng năm đàn voi rừng vẫn thường ra khu vực dân cư kiếm ăn và gây thiệt hại về tài sản của người dân. Cuối năm 2019, huyện Định Quán phải chi trả gần 800 triệu đồng cho 85 hộ dân ở xã Thanh Sơn có hoa màu, cây cối, tài sản bị thiệt hại do voi rừng gây ra”.
Theo ông Chiểu, sau khi tỉnh Đồng Nai xây dựng khoảng 50 km hàng rào điện kéo từ huyện Vĩnh Cửu sang huyện Định Quán ngăn cách giữa khu vực rừng với khu dân cư, đàn voi tìm ra khu vực ấp 5 và ấp 7 xã Thanh Sơn kiếm ăn và gây thiệt hại tài sản của người dân. “Đây là khu vực khoảng 20km chưa có hàng rào điện, hiện tỉnh Đồng Nai đã có dự án xây dựng tiếp hàng rào điện ngăn voi ở 20 km còn lại tiếp giáp đến rừng Cát Tiên, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2021”- ông Chiểu cho hay.
“Quậy” sang tận Bình Phước
Lần đầu tiên tỉnh Bình Phước ghi nhận trong tháng 5 đàn voi rừng vượt sông xâm nhập địa phận tỉnh Bình Phước.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) vào khoảng 0 giờ ngày 31/5, đàn voi khoảng 6 cá thể trong đó có cá thể voi ngà lệch di chuyển từ khu vực rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai qua sông Mã Đà sang tiểu khu 363, ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, Bình Phước do Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú quản lý. Tại khu vực này, đàn voi đã gây thiệt hại cây trồng, tài sản của 2 hộ dân khi phá hủy 1 chòi tạm, ăn khoảng 30kg gạo, phá hủy 600m2 cây bắp (ngô) sắp thu hoạch. Đến khoảng 20 giờ ngày 31/5, đàn voi khoảng 5 cá thể quay lại vị trí trước đó tiếp tục ăn bắp và phá vật dụng của người dân, sau đó vượt sông trở lại rừng Đồng Nai.
Trước việc xuất hiện của đàn voi rừng, Hạt Kiểm lâm Đồng Phú đã thực hiện tuyên truyền đến các hộ dân bị thiệt hại và các hộ sống gần khu vực có voi rừng xuất hiện thực hiện các quy định của nhà nước về việc bảo tồn đàn voi rừng, hạn chế đi lại tại khu vực voi xuất hiện, không gây xung đột giữa voi và người. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cũng có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo các cơ quan chức năng tuyên truyền hướng dẫn người dân phòng tránh xung đột giữa người và voi để bảo vệ, bảo tồn đàn voi.