Ông Dương nói: Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các ngân hàng (NH) đều phải củng cố sức khỏe tài chính để tồn tại và phát triển. Hoặc để NH “tự lớn” và sử dụng phương pháp nội sinh tức là tự tích lũy lợi nhuận theo năm. Hoặc nữa là sáp nhập lại với nhau.
Cụ thể hơn ở đây, các ngân hàng sẽ được - mất thế nào khi thực hiện M&A, theo ông?
“Vì NH là một lĩnh vực đặc thù và rất nhạy cảm. Do đó, người lãnh đạo được tuyển chọn không thể là người dốt được”.
TS Lê Thẩm Dương
Có hai cách NH thực hiện M&A đó là thù nghịch và thân thiện. Nếu M&A theo cách thù nghịch hay nói cách khác NH lớn thôn tính NH bé. Trong trường hợp NH hậu sáp nhập vẫn lớn lên và cả nền kinh tế vẫn được lợi. Song, thực tế NH bị thâu tóm sáp nhập chắc chắn phải chịu thiệt. Đối với M&A thân thiện cũng có 2 trạng thái: một là NH tự đi tìm đối tác thân thiện; cách hai là nếu NH không tìm được và lại đang trong thể trạng yếu có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống, NHNN sẽ giúp họ làm việc này. Đây là hình thức bắt buộc. Song, bắt buộc ở đây các NH vẫn đàm phán trên “nền” thân thiện.
Nhưng thật sự, nếu để NHNN chỉ định, dù NH sáp nhập hay bị sáp nhập vẫn sẽ ở thế bị động, không có lợi đối với họ. Do đó, thời điểm này các NH nên chủ động sáp nhập với nhau chứ không đợi đến lúc khó quá phải để NHNN xử lý.
Liệu NH khỏe + NH yếu có = một NH khỏe không, thưa ông?
Hiện tại các NH đang tự tìm đến nhau dựa trên một nền chất lượng nhất định chứ không có quan niệm nhỏ hay to là điều rất tốt. Nếu không, khi để NHNN tìm đối tác ghép đôi vô cùng mệt mỏi cho cả NH lẫn NHNN. Vì để khớp các lệnh với nhau rất khó nếu không khéo có thể dẫn đến tình trạng thù nghịch. Do vậy, việc các NH tự nguyện M&A vừa đúng quy luật, đúng đề án tái cấu trúc và quan trọng cách làm này vô cùng có lợi cho tất cả các bên. Hay nói cách khác cả nền kinh tế được lợi. Trong trường hợp này cơ quan chủ quản cố gắng tạo chính sách, độ thông thoáng để giúp họ được đẩy nhanh quá trình thực hiện M&A thành công.
Tôi cho rằng, hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD đang giúp cho quá trình tái cơ cấu của các NH đang đi đúng hướng, diễn ra mạnh mẽ hơn.
Nhưng suy luận logic, thường là các NH nhỏ được hưởng lợi khi sáp nhập NH lớn hơn?
Cứ cho là đúng như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng cái được lớn nhất là cho cả nền kinh tế và lớn thứ hai là cả hệ thống NH. Chứ chúng ta không nên qua so đo thiệt hơn. Một trong 3 nguyên tắc phải vượt qua khi khủng hoảng xảy ra là phải biết chấp nhận đổi giá. Tất nhiên, khi tính đến chuyện M&A họ cũng phải tính toán kỹ lưỡng rồi mới đưa ra quyết định. Vì NH là một lĩnh vực đặc thù và rất nhạy cảm. Do đó, người lãnh đạo được tuyển chọn không thể là người dốt được.
Ông có nghĩ rằng M&A diễn ra mạnh hơn trong năm 2014?
Đúng vậy, chắc chắn M&A trong lĩnh vực NH sẽ rõ nét hơn trong năm 2014. Không chỉ áp lực từ nội tại hệ thống mà cả nền kinh tế đang trong guồng quay tái cấu trúc và ngành NH không thể đứng ngoài. Tôi cho rằng, khả năng các thương vụ M&A thành công hơn trong năm 2014 nếu các điểm tựa như room cho nhà đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu nhà của người nước ngoài… được công bố chính thức. Nếu điều đó trở thành hiện thực, thì năm 2015 sẽ là năm thành công rực rỡ đối với M&A ngân hàng.
Cảm ơn ông.