Khoảnh khắc phụ nữ Việt Nam từ 'bông hồng thép' đến 'cô gái vàng'
TPO - Triển lãm ảnh "Phụ nữ Việt Nam - Những khoảnh khắc" đã giới thiệu những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa về phụ nữ Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại theo hai chủ đề "Vì độc lập, thống nhất đất nước" và "Vì sự phát triển và hội nhập". Trong đó, có khuôn hình nụ cười chiến thắng, đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, trung đội nữ công binh thép, những cô gái vàng Việt Nam...
Trong khuôn khổ lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam lần thứ IV đã diễn ra triển lãm ảnh có chủ đề "Phụ nữ Việt Nam - Những khoảnh khắc.
Triển lãm giới thiệu những khoảnh khắc đẹp và ý nghĩa về phụ nữ Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại
Qua đó, tôn vinh, tri ân các thế hệ phụ nữ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trước đây, cũng như vai trò và đóng góp của phụ nữ hiện nay trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. (Hình ảnh về Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình gồm 37 chị em tuổi từ 16 - 22, được huấn luyện thực hành bắn mục tiêu di động. Từ ngày 7/2 - 16/5/1968, Đại đội đã dùng pháo 85 ly bắn cháy khu trục hạm số 013, 719 và 742. Với thành tích này Đại đội được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang.
Với 2 chủ đề "Vì độc lập, thống nhất đất nước" và "Vì sự phát triển và hội nhập", triển lãm cũng phản ánh sự vận động, phát triển, và đổi mới, thích nghi trong các bối cảnh lịch sử và xã hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nói riêng và Phụ nữ Việt Nam nói chung. ( Bức ảnh Nụ cười chiến thắng. Năm 1968 sau lần ám sát hụt một tên mật thám, Võ Thị Thắng - cô gái 20 tuổi quê xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, Long An bị bắt và bị tuyên án 20 năm tù khổ sai. Đáp lại lời tự đắc của thành viên Hội đồng xét xử, cô đanh thép "Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để cầm tù tôi không?". Nụ cười của cô đã được một phóng viên người Nhật ghi lại.
Bức ảnh "Hoa phong lan tặng các nữ dân quân thép". Ngày 11/9/1968 ba nữ dân quân có nhiều chiến công vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị là Trần Thị Bưởi, Nguyễn Thị Xuân và Trương Thị Khuê được ra thăm Bác Hồ. Sau khi hỏi thăm về tình hình cuộc sống, Bác đã tặng cho các nữ dân quân đất thép ba chùm hoa phong lan trồng trước cửa nhà Người. Bác nói "Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích các cháu còn đẹp hơn hoa của Bác". (Ảnh và lời giới thiệu chụp lại triển lãm)
Những "bông hồng thép" ở Trường Sơn. Tháng 3/1973, khi đến thăm Trung đội B3 (Đoàn 559) trên đèo Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: "Các cô không phải là người thường. Ở nơi này chỉ có gang thép mới trụ được" và đặt tên cho Trung đội là Đội nữ công binh thép. Đèo Phu La Nhích thuộc địa phân tỉnh Khăm Muộn, Lào là một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất.
"Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn" ghi lại khoảnh khắc hai bà mẹ, một người Nam, một người Bắc ôm chầm nhau mừng rỡ do nhiếp ảnh Võ An Khánh ghi lại trong chuyến đi thực tế tại xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu vào tháng 10/1975. Theo lời kể của tác giả ảnh, bà mẹ người Bắc vào Nam để tìm thăm người thân.
Các "bóng hồng" gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Các nữ bác sĩ bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 1 lên đường sang làm nhiệm vụ giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Châu Phi ngày 15/10/2018. Hình ảnh do tay máy Nguyễn Trung Trực ghi lại.
"Những người phụ nữ giữ biển" chụp lại tốp phụ nữ làm việc ở bên gành biển, hang đá trên đảo Lí Sơn, Quảng Ngãi do tay máy Hồ Sĩ Minh ghi lại.
Những cô gái vàng Việt Nam ghi lại hình ảnh khoảnh khắc ăn mừng của các cầu thủ Việt Nam trong trận chung kết bóng đá SEA Games 30 do phóng viên Tuấn Mark chụp.
Triễn lãm khai mạc cùng lễ kỉ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020) và Đại hội Thi đua yêu nước của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vào ngày 18/10 tại số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Sau đó được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội)