Theo rà soát, 36 tên miền này đều được đăng ký tại các tổ chức ở nước ngoài và sử dụng dịch vụ ẩn giấu thông tin chủ thể. Các website được thiết kế với giao diện giống nhau và cùng đăng tin, bài tổng hợp về hoạt động của Quốc hội, các lãnh đạo Quốc hội và lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, gây hiểu lầm đây là các trang chính thức của Quốc hội. Các hành vi giả mạo này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, làm nhiễu loạn thông tin, mất an toàn an ninh xã hội.
Phía VNNIC cho hay, việc xử lý hành vi vi phạm này là vấn đề không đơn giản. Việc khó xác định được chủ thể tên miền nên không thể can thiệp, xử lý đối với các trang thông tin điện tử vi phạm. Đây chính là nguyên nhân gây trở ngại trong công tác quản lý nhà nước về tên miền quốc tế dạng này.
Thực tế cho thấy, để đấu tranh loại trừ thông tin xấu độc, thông tin xuyên tạc, sai sự thật đòi hỏi phải “nhận diện” được đâu là nguồn thông tin chính thống, đâu là không chính thống trên Internet.
Những dấu hiệu nhận diện có thể xem xét trên các yếu tố như: tên miền được sử dụng cho website; nội dung, cấu trúc website; địa chỉ IP lưu trữ nội dung của website, website có xác thực số...
Các nguồn tin chính thống, đặc biệt là tin tức chính trị, luật pháp của Việt Nam được đăng, phát trên báo điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoặc trên các trang thông tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước với “nhận diện” là sử dụng tên miền “.vn”.
Theo quy định pháp luật, báo điện tử, trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước phải sử dụng ít nhất 01 tên miền “.vn” và lưu giữ thông tin tại hệ thống máy chủ có địa chỉ IP ở Việt Nam.
Ngoài ra, việc quản lý không đơn thuần là xử lý hành chính hay ngăn chặn bằng các biện pháp kỹ thuật. Hơn ai hết, người sử dụng cần nâng cao khả năng tự sàng lọc, nhận diện thông tin trên mạng, tránh bị lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước…/.