Khó đột phá nếu làm gì cũng phải 'đi xin'

TP - “Làm cái gì TPHCM cũng phải chạy ra xin, thậm chí tiếp cận các nguồn vốn cũng phải xin, cũng phải thủ tục hành chính qua lại thì rất khó đột phá”, TS Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC), nhận định.
TPHCM đang cần cơ chế mang tính đột phá để phát triển nhanh và bền vững. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ông Quốc nói: Ngoài được phép tăng các khoản vay, TPHCM cần một số quyền chủ động quyết định phù hợp với thực tiễn và khác với nhiều địa phương khác.

Thưa ông, TPHCM được hưởng những ưu đãi gì từ cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù vừa ban hành?

Nghị định 48 nâng tỷ lệ huy động vốn của TPHCM từ 60% lên 70% tổng dư nợ trên khoản ngân sách địa phương được giữ lại, tức tăng thêm khoảng 10.000 tỷ đồng dư nợ. Theo tính toán của chúng tôi, nguồn vốn vay của thành phố từ mức 40.000 tỷ sẽ được nâng lên 50.000 tỷ đồng. Ngoài ra, TPHCM được tiếp cận các nguồn vốn.

Những điều đó đối với thành phố chưa đủ để đột phá. Các tỉnh thành khác cũng được phép tiếp cận các nguồn vốn. Tỉnh nào cũng được phép nhận tài trợ nếu không liên quan đến an ninh quốc phòng, tôn giáo như TPHCM. Để đột phá, phải tạo quyền chủ động cho thành phố. Làm cái gì TPHCM cũng phải chạy ra xin, thậm chí tiếp cận các nguồn vốn cũng phải xin, cũng phải thủ tục hành chính qua lại thì rất khó đột phá.

TPHCM cần cơ chế đặc thù như thế nào để gỡ bỏ rào cản?

Trong tất cả các luật định, đa phần các tỉnh thành đều giống nhau. Vì vậy, cơ chế đặc thù đúng nghĩa thì cần cho TPHCM toàn quyền quyết định một số thứ như dự án kiểu gì, quyền hành như thế nào, nói chung là có sự khác biệt so với những tỉnh thành khác. Có như vậy mới hình thành được những trung tâm kinh tế tài chính đúng nghĩa. Bây giờ chỉ dừng lại ở nghị định, hoặc cơ chế đặc thù ban hành như một nghị định thì TPHCM và các tỉnh, thành khác cũng như nhau.

TS Phạm Phú Quốc.

Muốn có một cơ chế đặc thù cho TPHCM, điều quan trọng đầu tiên là cần phải coi nhiệm vụ này là của chính phủ, của các bộ ngành và địa phương. Việt Nam cần phải có 2-3 trung tâm kinh tế tài chính ngang tầm khu vực như Hong Kong, Singapore, Thượng Hải… Chính phủ cần giao địa phương một số quyền để hoạt động hiệu quả hơn như địa phương được toàn quyền quyết định chỉ định thầu một số dự án cấp bách, quyết định một số loại phí, giá. Đơn cử như xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông. Ở các tỉnh khó khăn, mức phạt 100.000 đồng, 200.000 đồng người dân không có khả năng nộp phạt nhưng đối với TPHCM, mức phạt này là rất bình thường nên cần phải tính toán mức phạt như thế nào cho phù hợp với đặc thù của TPHCM.

Thị trường địa ốc của TPHCM rất phát triển. Thành phố đầu tư hạ tầng đi qua một khu vực đang có giá nhà đất bình thường làm giá nhà đất tăng lên. Như vậy, giá trị gia tăng từ việc đầu tư hạ tầng của TPHCM được tăng lên và thành phố cần có quyền đặt ra những khoản phí, thuế để thu thêm giá trị gia tăng, san sẻ để chủ đầu tư hỗ trợ ngược lại cho ngân sách và thành phố sử dụng khoản này tiếp tục tái đầu tư vào hạ tầng. Hai bên sẽ đều có lợi. Phí đó gọi là phí phát triển nhưng đáng tiếc là thành phố không có thẩm quyền quyết định thu hay không vì đụng đến luật về thuế, phí... Nếu cơ chế đặc thù thực hiện theo nghị định (văn bản dưới luật) thì không thể làm được. Cơ chế đặc thù phải được luật hoá hoặc tối thiểu cũng phải là nghị quyết của Quốc hội.

Là đầu tàu kinh tế của cả nước song TPHCM chỉ là một địa phương trong số 63 tỉnh, thành, nếu đặt ra quá nhiều “luật chơi” riêng thì liệu có phù hợp?

Hiện nay, cơ chế dành cho Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong là theo đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tiến bộ và thoáng hơn so với cơ chế đặc thù của TPHCM. TPHCM phải kiên trì kiến nghị tháo gỡ rào cản. Cần cơ chế gì để đột phá được thì trình chính phủ. Chính phủ cũng cần có một đề tài nghiên cứu để Việt Nam có được những trung tâm kinh tế tài chính ngang tầm khu vực. Nếu cần, phải trình ra Quốc hội xem xét. Một quốc gia không có trung tâm kinh tế tài chính đúng nghĩa, không có một đô thị tương xứng thì khó cải thiện vị thế trên bảng xếp hạng.

Có nhiều tỉnh đang khó khăn nhưng cũng có vài tỉnh, thành có thể hướng đến mục tiêu phát triển ngang tầm khu vực. TPHCM nếu không được tái đầu tư, hỗ trợ ngân sách để đầu tư hạ tầng, chắc chắn 5-7 năm sau chúng ta sẽ rất hối tiếc. Kinh tế phát triển nhưng hạ tầng không bắt kịp thì sẽ phản tác dụng. Quan trọng là làm gì để cởi bỏ chiếc áo cơ chế đã chật. Vay thêm để đầu tư thì không được vì làm tăng nợ công quốc gia. Muốn không tăng nợ công doanh nghiệp phải tự vay, tự trả mà tự vay tự trả cần bảo lãnh chính phủ. Các định chế tài chính quốc tế bắt buộc như vậy. Cần phải trao quyền thật sự. Nếu tự vay tự trả không ảnh hưởng tới nợ công thì cho doanh nghiệp vay và mở ra các nghị định, thông tư như thế nào để các định chế nước ngoài không cần đến bảo lãnh của chính phủ vẫn cho vay. Ở trên vẫn đóng, phía dưới có mở thì cũng không có tác dụng, không thực chất.

TPHCM đối mặt nạn kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm… và cần huy động khoảng 1 triệu tỷ đồng để giải quyết tình trạng này.

Miếng bánh ngân sách, vốn giá rẻ, các khoản vay ưu đãi của quốc gia… chỉ có hạn, địa phương nào cũng muốn ưu tiên thì rất khó giải quyết?

Chúng ta đã phải chi rất nhiều để khắc phục ô nhiễm môi trường, giải quyết kẹt xe, ngập nước, quá tải hạ tầng giao thông, phúc lợi… Vì vậy, ngay từ bây giờ phải tính ở tầm chiến lược. Phải biết chấp nhận dồn ngân sách cho một vài khu vực nào đó có tiềm năng phát triển. Đà Nẵng có thể phát triển như Singapore, Hà Nội có thể phát triển như Thượng Hải và TPHCM cũng vậy. Sao không dồn lực đẩy các địa phương này lên ngang tầm khu vực. Và, khi các địa phương này mạnh rồi thì có thể điều tiết lại ngân sách cho trung ương. Vấn đề này cần có một tầm nhìn dài hạn.

TPHCM từng có những kinh nghiệm rất hay. Chính nơi này hình thành khu công nghiệp đầu tiên, cổ phần hoá đầu tiên, khu chế xuất, ngân hàng thương mại, quỹ đầu tư phát triển đầu tiên… sau đó mới lan tỏa ra phạm vi cả nước. Tại sao không thí điểm cho TPHCM một số cơ chế đặc thù vì thực tiễn mới quan trọng. Ngay cả cơ quan chuyên trách đại diện vốn sở hữu trung ương sắp tới sẽ làm. Liệu có nên dồn hết vốn nhà nước vào một chỗ không? TP Hà Nội có thể hình thành, TPHCM có thể hình thành và trung ương (đại diện các bộ ngành) cũng có thể hình thành. Tại sao không làm đồng thời để rút kinh nghiệm lẫn nhau. Ở TPHCM, định chế này đã hình thành và đang hoạt động tốt. Tại sao không tính đến chuyện nâng cấp lên. Dồn hết vốn vô một chỗ, lỡ thua lỗ thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Đại diện vốn chủ sở hữu ở TPHCM là HFIC được Bộ Chính trị cho phép. Nó đại diện rất tốt. Bản chất của vốn nhà nước là phục vụ dân sinh, quy tụ xong thì đầu tư vào hạ tầng. Đó là mô hình rất có ý nghĩa mà TPHCM đã làm được trong nhiều năm qua.

Cảm ơn ông.

“Cần phải trao quyền thật sự. Nếu tự vay tự trả không ảnh hưởng tới nợ công thì cho doanh nghiệp vay và mở ra các nghị định, thông tư như thế nào để các định chế nước ngoài không cần đến bảo lãnh của chính phủ vẫn cho vay. Ở trên vẫn đóng, phía dưới có mở thì cũng không có tác dụng, không thực chất”.

TS Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc công ty đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM

Nghị định 48/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TPHCM. Theo đó, nhà nước ưu tiên đầu tư về ngân sách và các nguồn tài chính khác nhằm phát triển kinh tế xã hội để thành phố thực hiện vai trò trung tâm kinh tế xã hội của khu vực và cả nước. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho thành phố đầu tư các chương trình, dự án xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, môi trường và chương trình, dự án có khả năng thu hồi vốn. Đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn hoặc chỉ có khả năng thu hồi một phần vốn đầu tư, UBND thành phố quyết định hoặc trình cơ quan có thẩm quyền quyết định huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), bao gồm: BOT (xây dựng - kinh doanh -  chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao), BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ), BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), O&M (kinh doanh - quản lý)…