'Khổ cực phí'

TP - Chuẩn bị đón cấp trên xuống kiểm tra, thời gian gần đây, các thầy cô giáo phải làm thêm ca thêm giờ rất gian khổ, chuyện này, hiệu trưởng Trịnh biết rõ.

> Làm nghề giúp việc, tranh thủ... viết truyện ngắn
> Sinh viên làm ô sin kiếm gần 10 triệu/tháng

Chính vì vậy, hiệu trưởng Trịnh quyết định chi cho mọi người một chút “khổ cực phí”. Tuy số tiền không nhiều, chỉ một vài trăm đồng, song trực tiếp phát cho từng người, hiệu trưởng Trịnh cảm thấy bất nhã, thế là ông tìm những chiếc phong bì làm bằng giấy tái sinh màu cỏ úa khá dầy, cho “khổ cực phí” mà mọi người mong đợi vào. Người nào có phần ấy, ai nấy đều rất hoan hỉ.

Mỗi người cầm những chiếc phong bì chất liệu như nhau, dày dặn như nhau, tự nhiên phấn khởi không thể nói ra lời, tất cả những gian khổ làm thêm ca thêm giờ, tất cả gian truân, tất cả mệt nhọc, tất cả oán thán trước đây, trong chốc lát đều biến như mây tan.

Lúc ấy, hiệu trưởng Trịnh nói ra mấy lời:

“Thưa các vị đồng nghiệp! Chớ có cầm phong bì mà ngây ra cười như thế, phải thận trọng tỷ mỷ xem khoản “khổ cực phí” của mình, đếm kỹ số tiền. Nếu cầm phong bì không về nhà, e rằng khó nói với “ông bà chủ nhà”. Cái món tiền này, cần phải đếm ngay trước mặt, chứ việc qua rồi thì dù có người nhà máu mủ thân thích cũng không được công nhận đâu!”.

Nói xong, hiệu trưởng ha hả cười lớn, tươi hơn cầu vồng hiện trên bầu trời sau trận mưa rào!

Trước mặt hiệu trưởng Trịnh, các thầy cô giáo, từng người một đều mở phong bì tuy nhè nhẹ, song khi liếc mắt vào trong mọi người đều mặt mày hớn hở. Chỉ có một vị là thầy giáo Phu đeo kính cận dầy cộp không cười. Bởi vì thầy Phu lúc ấy phát hiện ra phong bì mình cầm trong tay rỗng không.

Thầy Phu lăn tăn lấn cấn, cơn cớ làm sao lại là phong bì không? Ông đã từng viết ra vô số bài luận văn học, đã từng nhận từ tay các vị lãnh đạo vô số bằng khen cơ mà.

Hiệu trưởng Trịnh vừa cười đùa, bỗng nhiên nhìn thấy thái độ của thầy giáo Phu, cảm thấy có điều gì khó xử, ông vội thôi cười. Bộ mặt bỗng thay đổi như thời tiết mùa hè, vừa nắng chói chang, bỗng chuyển sang mây đen vần vũ. Gương mặt ông băn khoăn khiến cho thầy giáo Phu vốn yêu chuộng văn chương từ nhỏ cũng không thể tìm được ngôn ngữ thích hợp để mô tả. May mà hiệu trưởng Trịnh trải đời, thực tế, gặp chuyện vẫn đĩnh đạc, điều ấy làm cho thầy Phu hơi yên tâm, nghĩ bụng, là chính bản thân ông bảo chúng tôi mở phong bì trước mặt, chớ trách tôi không giữ thể diện cho ông.

Định thần, hiệu trưởng tự riễu cợt:

“May quá, may quá, tôi đã bảo mọi người mở phong bì trước mặt, đếm lại xem. Nếu không, thật sự không biết nói sao cho rõ ràng được…”.

“Nếu như cầm về nhà giao cho “nữ tướng chủ nhiệm hậu cần”, phát hiện ra phong bì không, thì mới làm cho mọi người mất vui. Bản thân mình không vui không nói làm gì, mà bà xã thật thà như đếm cũng sẽ hoài nghi “khổ cực phí” đi đâu? Chắc sẽ thắc mắc, vì sao phong bì hoàn hảo như thế, “khổ cực phí” lại không cánh mà bay mất?”

Thầy Phu khẽ lắc đầu, hai tay giơ ra trước mặt mọi người, lộ vẻ bất lực.

Mọi người thấy vậy, cười như điên như cuồng, chỉ có thầy giáo Phu và hiệu trưởng Trịnh lại không cười.

Thừa lúc mọi người chưa định thần lại sau tiếng cười ran, hiệu trưởng Trịnh vội rút ra hai tờ giấy một trăm đồng mới toanh, từ chiếc cặp da màu đen căng phồng, hai tay cung kính đưa cho thầy Phu:

“Xin lỗi! Xin lỗi! Sai sót tại tôi, có thể là khi đang cho tiền vào phong bì, thì bà xã gọi điện thoại nói hoa quả ở nông trường bà ấy đã chín nẫu, bảo tôi muốn ăn thì mau đến hái, nếu không…, Chu cha, phải trách tôi vội đi hái hoa quả, kết cục gây ra chuyện này”.

Thầy Phu vui vẻ nhận khoản “khổ cực phí”. Ông không cho vào phong bì nữa, mà cho luôn vào trong túi quần trống không của mình.

Thầy Phu nghĩ thầm: “Nhân vật lớn cũng có lúc phạm sai lầm, huống hồ là cánh bình dân như chúng mình, chỉ có điều, khi phạm sai lầm, có người sửa nhanh, có người sửa chậm, thậm chí có người suốt đời còn mê muội không hiểu ra!”.

Vì không muốn để hiệu trưởng Trịnh nhìn thấy tâm tình phức tạp của mình lúc ấy, thầy Phu vội vàng ném chiếc phong bì không vào trong thùng rác, và nói với lãnh đạo: “Hiệu trưởng Trịnh, chuyện hôm nay, khó nghĩ quá, nhỉ?”.

Nhưng hiệu trưởng Trịnh đã toét miệng cười, nhìn chiếc phong bì không trong thùng rác, sắc mặt lại bình thản như không có chuyện gì xẩy ra: “Chu cha, nói chuyện khác đi, thầy Phu. Nói thật, người thật sự khó nghĩ, phải là tôi!”

Lúc ấy, thầy giáo Phu chỉ im lặng không nói, không biết nên gật đầu hay là nên lắc đầu, bàn tay ông nắn nắn túi quần. Rồi thầy cười.

Tác giả Bân Chi Bân, sinh ngày 21/6/1966, tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Tứ Xuyên, nhiều năm vừa dạy học vừa sáng tác nhiều thể loại văn học, được đăng tải trên nhiều báo giấy, báo mạng Trung Quốc, được bạn đọc nhiều lứa tuổi ưa thích.

Hai truyện cực ngắn dưới đây của Bân Chi Bân thể hiện sự quan sát tinh tế của nhà văn. Từ những chi tiết nhỏ nhặt - như chiếc phong bì không hay cái bánh rán, tưởng chừng tầm thường, nhưng qua tác phẩm, chúng trở thành những ngòi nổ kích hoạt trí tưởng tượng và cảm xúc của độc giả.

Truyện ngắn của
BÂN CHI BÂN Trung Quốc
Theo Báo giấy