Đó là ông Hoàng Thành (sinh năm 1961, trú tại số 599 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột). Ở ngay thành phố nhưng ông Thành xây dựng khu vườn của mình mang dáng dấp cánh rừng với nhiều cây cà te, sao, dổi. Trong không gian rộng hơn 1.000m2, ông Thành trưng bày hơn 20.000 mẫu hóa thạch có niên đại từ kỷ Jura.
Ông Thành cho biết, cơ duyên sưu tầm hóa thạch rất tình cờ. Cách đây hơn 30 năm, ông về các huyện của tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông tìm những loại đá để trang trí quán cà phê. Từ đây, ông sưu tầm được nhiều hóa thạch có hình thù đặc biệt.
Tuy vậy, ông chưa biết nhiều đến ý nghĩa của các hóa thạch này cho đến khi một số chuyên gia ngành cổ sinh đến Tây Nguyên và tình cờ ghé quán của ông. Đây được xem như bước ngoặt đưa ông đến thế giới kỳ diệu trước khi có sự xuất hiện của loài người.
Được sự hỗ trợ của các chuyên gia, ông Thành dày công nghiên cứu, sắp xếp các cổ hóa thạch mà ông đã sưu tập được, phân thành 5 nhóm gồm: Bộ cúc đá (vỏ sò hóa thạch); hóa thạch thuộc lớp hai mảnh vỏ (chân rìu); hóa thạch chân bụng; hóa thạch ngành thực vật hạt trần và hóa thạch thực vật thân gỗ. Qua đó, ông Thành phác họa 5 kỳ đại tuyệt chủng đã từng xảy ra trên Trái đất một cách sinh động.
Theo ông Thành, phần lớn các mẫu hóa thạch được sưu tầm ở vùng Krông Nô (Đắk Nông) - nơi có hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á. Trong bộ sưu tập của ông còn có cây thủy tùng hóa thạch với chiều dài 30m, đường kính thân cây từ 70-80cm. Ông Thành cho hay, đây là mẫu hóa thạch mất 4 năm mới sưu tầm được. Mẫu hóa thạch này rất hiếm bởi hầu như còn nguyên gốc, thân cây.
Ngoài ra, ông Thành còn sở hữu một hòn đá dài hơn 2,5m, đường kính 60cm, nặng khoảng 800kg, phát ra âm thanh ngân vang nên được ông gọi là chuông đá. Chuông đá này được ông sưu tầm vào năm 2006, tại một địa phương ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Mỗi khi dùng vật cứng va chạm vào thì những âm thanh trong trẻo cất lên từ 2 đầu của hòn đá, rất kỳ lạ.