Khi văn nghệ sỹ là đại biểu quốc hội

TP - NSND Trà Giang, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân… từng đại diện cho người dân cất tiếng nói trước Quốc hội.

> Hồng Ánh trở thành ứng cử viên chính thức ĐBQH
> Nói tiếng nói cử tri là phẩm chất hàng đầu

NSND Trà Giang.

NSND Trà Giang: Làm đại biểu quốc hội tốt cho vai diễn

Tôi làm đại biểu Quốc hội ở khóa V, VI, VII dù khóa V chỉ làm một năm. Quê tôi ở Quãng Ngãi, nhưng tỉnh nhà kết nghĩa với tỉnh Nghệ An, nên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu tôi ứng cử tỉnh Nghệ An khóa V. Hồi đó đi về Nghệ An, tôi nhớ được đi cùng nhiều đại biểu tài giỏi, trong đó có cả GS. Tạ Quang Bửu. Hai khóa sau tôi được đại diện cho quê hương Quảng Ngãi.

Trong tất cả các kỳ hoạt động, tôi thường nhận được câu hỏi từ người nước ngoài: là người nghệ sỹ và làm đại biểu quốc hội có khác biệt gì không? Vì họ tách bạch nghệ sỹ với làm chính trị. Với bản thân tôi-diễn viên điện ảnh-, tôi thấy nhiều thuận lợi.

Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang (ngoài phải) .

Nghề diễn rất cần sự thâm nhập đời sống xã hội. Ngoài việc mỗi phim phải đi thực tế, vai trò đại biểu quốc hội giúp cho tôi có dịp gặp gỡ tiếp xúc với nhân dân. Đặc biệt, vì tôi có chân trong Ủy ban văn hóa Quốc hội, một năm thường có cơ hội đi rất nhiều nơi, nghe được nhiều chuyện một cách tường tận hơn. Những chuyến đi này khơi dậy trong tôi sự cảm thông, hiểu biết nhiều hơn.

Họp quốc hội ngày xưa không kéo dài như bây giờ, lại thường thảo luận theo tổ, lấy ý kiến và trưởng đoàn đi phản ảnh, ít khi trực tiếp phát biểu như bây giờ. Đại biểu quốc hội bây giờ hoạt động nhiều hơn ngày xưa. Tuy chưa làm được gì nhiều, nhưng có trường hợp mình cũng giúp được người này người kia. Vì là đại biểu quốc hội có cơ hội gặp lãnh đạo của tỉnh đó và trình bày với họ vấn đề dân quan tâm.

Kỳ họp thống nhất khóa VI rất hay, để lại trong tôi ấn tượng nhất với những cuộc gặp cảm động và bất ngờ. Vai chị Tư Hậu tôi từng đóng lấy cảm hứng từ hình mẫu có thật. Trong phim, chồng chị hi sinh. Ngoài đời, anh ấy không chết, chỉ đổi tên để hoạt động. Tôi tình cờ gặp người chồng nhân vật mẫu đó ngay trong kỳ họp này, anh ấy là Ba Dương sau này là Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa.

Nhà thơ Vũ Quần Phương.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:

Tôi phải tự cảnh giác với mình, tránh quá xúc động (Đại biểu Hà Nội khóa IX)

Trong đoàn đại biểu Hà Nội khi ấy, tôi nhận được khá nhiều khiếu nại dân chuyển cho. Do mình không phải quan chức, cũng là dân như họ nên họ tiếp xúc tự nhiên hơn. Nhiều nhất vẫn là khiếu nại về đất đai.

Kinh nghiệm của tôi là khi đọc đơn xong cũng phải xác minh, vì dân nói chính xác sự kiện nhưng mức độ khác nhau. Mình phản ánh không đúng mức độ thì nhiều lúc cũng mất sức nặng. Và khi đi làm việc cho dân, phải coi như việc của mình, phải đi qua đi lại chứ không ỉ lại chờ công văn trả lời.

Lần đầu tiên làm đại biểu quốc hội, tôi hăng hái lắm, nên bà con cũng cảm thấy lời nói của họ được ghi nhận. Tiếng là đại diện cho giới văn nghệ, nhưng vấn đề quan tâm, tập trung nhất phản ánh vẫn là chuyện của dân. Là nhà thơ, nhưng phải nghe nhiều chuyện khiếu nại đất cát, tôi không hề ngại, coi đó là nhiệm vụ của mình.

Trước những sự việc mình cho là không công bằng, tôi cũng có cái nồng nhiệt theo, tôi làm một cách hăng hái và tình nguyện. Vả lại tôi cũng là người dễ nhập cuộc. Chỉ có điều phải cảnh giác với chính mình ở chỗ, tránh quá xúc động. Khi nhận được đơn khiếu nại của bà con, mình xúc động quá thì can thiệp của bản thân thiếu chừng mực, rành rọt.

Để tăng thuyết phục khi phản ánh, tôi thường điều tra kỹ, lấy số liệu, để nhỡ có mê đi một cách không cố ý khi bà còn trình bày bức xúc, mình phải tỉnh táo khi xử lí. Thời gian đó, tôi được các cơ quan quản lí tạo điều kiện, giúp đỡ khi cần.

Có nhiều vấn đề được giải quyết ngay trong nhiệm kỳ làm đại biểu của tôi, có sự việc phải chờ đến khóa sau. Tôi từng đề xuất khi chính phủ trả lời chất vấn quốc hội nên truyền hình trực tiếp cho nhân dân theo dõi. Đề xuất hôm trước, hôm sau được thực hiện và vẫn duy trì đến giờ.

Tôi xem làm đại biểu quốc hội như cuộc đi thực tế ở cơ quan nhà nước, cho tôi nhiều nhận thức. Thứ nhất, đôi khi tôi nhận thấy quốc hội ta có lúc rơi vào tính tượng trưng hơn là thực tiễn. Tiếp đến, tôi hiểu được những người chịu trách nhiệm quản lí xã hội, họ có những cái khó mà khi gần mới thấy làm chính trị là chuyên môn khá cao.

Điều quan trọng nhất là cho tôi cơ hội thấy tình cảnh của người dân, qua đó ảnh hưởng đến nhận thức xã hội để bước đến văn chương, thay đổi khuynh hướng sáng tác. Trải nghiệm này cho tôi nhận thức đã đành, nó còn thay đổi tình cảm của tôi, làm cho tôi thấy chúng ta có lỗi với một số tầng lớp nhân dân, do không hiểu hết nông nỗi của họ. Thêm nữa, làm đại biểu quốc hội cho tôi cơ hội giải đáp nhiều thắc mắc thấu đáo hơn.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân.

Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (Đại biểu Quốc hội khóa XI): Phải rành mạch, xác định mục tiêu tối cao là đại biểu của nhân dân

Được giới thiệu của Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, tôi trúng cử đại biểu quốc hội, đại diện cho tỉnh Hà Tây, chính là quê hương mẹ tôi. Khóa này hội tụ nhiều tên tuổi trong giới văn nghệ sỹ: nhà thơ Hữu Thỉnh, họa sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Điện ảnh Trần Luân Kim.

Sau mỗi lần tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả các kỳ họp, khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về các vấn đề bà con quan tâm. Nhưng thực tế, việc phản ảnh lại để tác động thay đổi chính sách chưa thật mạnh mẽ. Vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể một lúc giải quyết rất nhiều tâm tư, nguyện vọng của dân.

Ngay cả trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, có nhiều vấn đề cũng phải cương quyết đưa ra thành trọng tâm. Ví dụ NSND Đặng Nhật Minh kiên quyết trong mấy khóa, cuối cùng có được luật điện ảnh dù chưa thực sự hoàn chỉnh. Nhưng còn nhiều lĩnh vực khác chưa được giải quyết: chưa có luật riêng cho âm nhạc, chính sách đãi ngộ với văn nghệ sỹ.

Cùng với đoàn đại biểu tỉnh Hà Tây, chúng tôi tiếp xúc cử tri, lắng nghe và có trao đổi lãnh đạo tỉnh. Khi ấy vấn đề điện, thủy lợi phí, môi trường, giải quyết vấn đề rác thải làng nghề… được trao đổi và sau này thực hiện có hiệu quả. Dù không phải làm được tất cả, nhưng sự gần gũi nhân dân ấy tạo niềm tin cho họ.

Khi xác định là đại biểu quốc hội, được dân bầu ra, dù bản thân có thuộc giới khoa học, văn học nghệ thuật đi chăng nữa, mục tiêu tối cao phải xác định là đại biểu của nhân dân. Lấy quyền lợi, đòi hỏi chính đáng của nhân dân làm kim chỉ nam hoạt động, không nhân danh nghệ sỹ gì nữa.

Mình phải rành mạch, cần tâm niệm không được sao nhãng công việc. Thời gian tham gia quốc hội, cho tôi cơ hội thu nạp đời sống thực tế. Chưa kể những chuyến đi lại đến các vùng miền, tiếp xúc văn hóa tạo cho tôi hứng khởi sáng tác ngay lúc đó và sau này.

Khi ghi tên vào danh sách đại biểu quốc hội, phải xác định mình chuyên tâm đại diện cho mong muốn của người dân. Cái đó mới bền chặt, như cái neo, giữ bản thân phấn đấu trong năm năm hoạt động và cả sau này. Không phải được bầu làm đại biểu là có thể xuất sắc ngay. Môi trường quốc hội thực sự là trường học lớn, không dễ gì có được.

Toan Toan ghi

Theo Báo giấy