64 nghị sỹ tại quốc hội đa đảng bỏ phiếu tán thành, đưa quốc gia Nam Trung Âu này trở thành thực thể đầu tiên ở Liên minh Châu Âu dùng hiến pháp để bảo vệ nước. Chỉ với một phiếu trắng của đảng đối lập, quốc gia với diện tích 20.000 km2 – bằng nửa Đồng bằng Nam bộ của Việt Nam – lần đầu tiên không cho phép đem nước ra mua bán như hàng hóa nữa. Thay vào đó, nước sạch trở thành sản phẩm được nhà nước bảo hộ cho toàn dân.
Báo cáo thường niên 2016 của CDP, một tổ chức quốc tế chuyên cung cấp thông tin môi trường cho các quốc gia và doanh nghiệp để ra các quyết định đầu tư, mang tên “Kinh doanh đang khát nước: Vì sao nước trở thành sống còn…” càng minh chứng cho nhận định “nước là vàng lỏng”.
Từ báo cáo của CDP, 643 nhà đầu tư với khối tài sản trị giá 67 nghìn tỷ USD yêu cầu các công ty của họ phải báo cáo trung thực tình trạng ứng phó với khan hiếm nước. Năm ngoái có 1.073 công ty toàn cầu gửi thông tin về tình hình khan hiếm nước cho CDP. Năm nay, số ấy lên đến 1.252.
Đi sâu tìm hiểu thì thấy các dự án đầu tư ngày càng lệ thuộc vào nước, công nghệ càng cao càng cần nhiều nước, đặc biệt là nước sạch. Tại Mỹ, quốc gia đi đầu về đổi mới công nghệ, có tới 70% lượng điện tiêu thụ đến từ các nhà máy điện hiện đại phải làm nguội bằng nước. Ngay cả các nguồn năng lượng sạch cũng không thể không cần nước như nhiên liệu sinh học, hạt nhân và thậm chí là điện mặt trời.
Chưa bao giờ nước trở thành nguồn săn lùng của các trùm tư bản như bây giờ và những năm tới. Vậy mà Thủ tướng Cerar tuyên bố trước quốc dân: “Nước ở Slovenia có chất lượng rất tốt và, vì giá trị to lớn của nó, chắc chắn nó sẽ là mục tiêu thèm khát của các tập đoàn quốc tế và của các nước. Nhưng chúng ta nhất định không lùi bước”.
Có thể thấy, ngay cả khi nước được coi là vàng lỏng với trữ lượng dồi dào, một chính phủ thực sự vì dân vẫn quyết không vì lợi nhuận mà hy sinh lợi ích lâu dài của quốc dân.