Triển lãm Nhà mặt phố đang treo tại Viện Goethe Hà Nội đến 28-3, giới thiệu một hình thức mỹ thuật mới, có thể gọi là “nhiếp ảnh sắp đặt” hoặc phù điêu ảnh. Triển lãm bao gồm những ảnh thông thường nhưng in trên giấy xuyến chỉ, bồi lụa- thành các bức tứ bình hiện đại diễn tả khung cảnh muôn hồng nghìn tía của các biển quảng cáo quán karaoke về đêm.
Một tác phẩm gồm vài ba lớp giấy ảnh được bồi cho dầy và dán chồng lên nhau. Cách diễn đạt này hình thành từ những quan sát thực tế của tác giả. “Nhìn trực diện vào dãy phố không thấy gì, nhưng nhìn xiên thấy toàn bộ các tầng trên phi hết ra mét rưỡi đến 3 mét, nhất là những con phố mới mở” anh mô tả. “4 năm du học, mỗi lần về Hà Nội, tôi lại thấy sự biến đổi kinh khủng của nhà mặt phố. Có thể sống mãi ở đây thì không để ý đâu”. Và anh tìm hiểu các cách thức để tái hiện độ nhấp nhô của mặt tiền, từ đổ composit, thạch cao đến mô hình đất sét, gỗ… cuối cùng mới nảy ra: Tại sao không dùng chính kỹ thuật quảng cáo. Các bức phù điêu đang trưng bày sử dụng công nghệ làm chữ hộp, cắt lazer của những người thợ trên phố Nguyễn Thái Học- từ lâu đã trở thành phố Hàng… Biển, tức là đáp ứng tất cả các nhu cầu về biển quảng cáo.
Mỗi tác phẩm (dùng photoshop kết hợp nhiều tấm ảnh, nhiều lần chụp) tạo ấn tượng hoàn chỉnh không chỉ bởi độ nét, độ nổi mà còn vì nhân vật: Chiếc xe thồ lỉnh kỉnh, người bán hàng rong, người cởi trần đi xe máy… Những người tham gia giao thông này được Sơn sưu tập, rồi chọn mặt tiền phù hợp dán vào, mỗi tác phẩm thành một trường hợp điển hình của văn hóa đường phố Hà Nội thời nay, và được đặt tên theo chính những khẩu hiệu quảng cáo trên tòa nhà: 100 năm vẫn phát triển, Mỗi ngày một khuôn mặt mới, Trao bạn nét đẹp mà tự nhiên, Chúng tôi tin vào dáng chứ không phải kích cỡ… Riêng Nha khoa Obama là vì hàng chữa răng lấy ảnh tổng thống Mỹ đang cười để hút khách. “Các khẩu hiệu ghép lại như bài thơ của cuộc sống đương đại,” nhiếp ảnh gia ví von.
Sơn đang thực hiện đề tài Thạc sĩ tại Học viện Mỹ thuật Trung ương Bắc Kinh (Trung Quốc) về sự biến đổi thị giác, công năng của nhà mặt phố Hà Nội 100 năm trở lại đây. Từ nhà hình ống cổ, đến kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc- lần đầu tiên người Việt biết đến tầm nhìn ban-công. Thời bao cấp: Ban công tận dụng thành nhà tắm, nhà bếp, khi hàng trăm con người đột nhập, mổ xẻ nhà hình ống, biệt thự Pháp. Từ 1986, mở cửa, nhà mặt phố phát triển theo chiều cao, bê-tông hóa. Và những ngôi nhà “che mặt” bằng biển quảng cáo chính là giai đoạn thứ 5 (bắt đầu từ khi Việt Nam gia nhập WTO)- từ một mảng khảo sát trong luận án đã trở thành triển lãm cá nhân thứ 4 của tác giả.
Nguyễn Thế Sơn hy vọng tạo nên trò chơi thị giác với những mô hình thu nhỏ của cuộc sống để người xem có một khoảng tĩnh đủ xa, nhìn lại hiện thực quanh mình. Đã đi khá nhiều nơi trên thế giới, Sơn nhận ra không đâu có kiểu biển quảng cáo che kín mặt nhà như ở Việt Nam. “Chẳng hạn ở Trung Quốc, quảng cáo che mặt tiền bây giờ hầu như không được phép. Người ta chỉ làm biển treo dọc ở bên cạnh. Chẳng ai dại gì che mặt trước nhà,” Sơn cho hay.
Trong quá trình làm Nhà mặt phố, Sơn kết hợp làm luôn dự án tạm gọi là “Trả Honda về với Nhật Bản”. “Phải cảm ơn xe máy, không có xe máy thì không biết nền kinh tế này hoạt động như thế nào, nhưng thực tế là một năm có khoảng trên 10 nghìn người chết vì xe máy ở Việt Nam.Thế có đáng không…” Sơn nói. Sơn sẽ phóng to hình người đi xe máy bằng tỷ lệ thật (mà anh gọi là “hình nhân thế mạng”) và dựng trên đường phố Nhật Bản, cho văn hóa giao thông Việt hòa đồng cùng Nhật Bản.
Chẳng hạn ở Trung Quốc, quảng cáo che mặt tiền bây giờ hầu như không được phép. Người ta chỉ làm biển treo dọc ở bên cạnh. Chẳng ai dại gì che mặt trước nhà” - Sơn cho hay