> 'Tôi là vị tướng lãng mạn'
> Các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước chia buồn cùng gia quyến Đại tướng
19 tác phẩm cùng 19 “hồ sơ” về những ngôi nhà có tuổi trăm năm gợi mở cho người xem về rất nhiều điều, không chỉ là dấu hỏi trong việc bảo tồn và gìn giữ kiến trúc cổ. Triển lãm diễn ra đến 29/10 tại Manzi Art Space, Hà Nội.
Tái hiện quá khứ qua “hồ sơ” và phù điêu ảnh
Nhiều người đã bàng hoàng khi nhận ra vẻ đẹp kiến trúc bị tàn phá của những ngôi “nhà Tây” cách đây hàng thế kỷ trong triển lãm. Đây là câu chuyện của những ngôi nhà danh tiếng, với tên và ký hiệu của từng tòa nhà được đặt trên trán nhà, thể hiện mong muốn ước vọng của gia chủ.
Có những ngôi nhà có tên của các nhà tư sản thời đó: Nghiêm Xuân Thực, Nguyễn Đình Phẩm... “Nó có tên nghĩa là được sinh ra với sự yêu thương, như một giá trị tinh thần, ngôi nhà cũng có số phận của riêng nó”, Nguyễn Thế Sơn chia sẻ.
Nguyễn Thế Sơn đã từng có triển lãm “Nhà mặt phố” phô bày những biển cỡ lớn in hình người mẫu, biển quảng cáo che lấp kiến trúc cổ. Triển lãm lần này của anh và Trần Hậu Yên Thế cho thấy đằng sau những tòa nhà mang biển hiệu diêm dúa và tân kỳ là những kiến trúc cổ với những nét đẹp may mắn còn sót lại, chứa đựng lát cắt 100 năm lịch sử của ngôi nhà. Nguyễn Thế Sơn gọi đó là “chuyện bình thường” của kiến trúc đô thị tại Hà Nội hiện nay.
Anh chia sẻ về quá trình làm việc của mình: Ở đây tôi muốn nhấn mạnh sự biến hình, biến dạng và biến mất. Thật buồn nhưng có chính sự lộn xộn này thì tôi mới có cơ hội chụp lại”.
Những tác phẩm trong triển lãm thể hiện những đổi thay về chiều sâu kiến trúc và cả hình dạng bên ngoài của những ngôi nhà cổ Hà Nội, từng được xây dựng bởi các kiến trúc sư Pháp. Đông nghĩa với sự dịch chuyển về văn hóa.
Nguyễn Thế Sơn và Trần Hậu Yên Thế triển khai công việc khá công phu. “Hồ sơ” mỗi căn nhà được phân định thành 3 lớp cắt chính. Đầu tiên là những phần còn sót lại với kiến trúc nguyên bản. Tiếp theo, lát cắt quá trình cơi nới, xây thêm… Ở một số công trình, thấy rõ bị phình ra, bóp méo; sự lãng mạn của ban công hoàn toàn biến mất khi bị tận dụng và ốp… nhôm kính bên ngoài. Cuối cùng, lát cắt kinh tế thị trường, phản ánh quá trình những người được chia ở tầng một nghiễm nhiên mở cửa hàng…
Muốn những ngôi nhà cổ cất tiếng nói
Trần Hậu Yên Thế thì tái hiện kiến trúc theo lời kể của từng chủ hộ cộng với óc phán đoán của người nghệ sĩ. Anh đã dành hơn chục năm để tìm hiểu về những nét hoa văn trên song cửa cũng như kiến trúc bên trong mỗi căn nhà. Mỗi hồ sơ đều được anh ghi rõ địa chỉ, tên gia chủ, lối kiến trúc, họa tiết, hoa văn trong ngôi nhà… kể cả phần tái hiện cấu trúc của căn nhà theo giả tưởng. Anh chia sẻ: “không thể quay lại quá khứ để thấy mọi biến cố lịch sử. Quá nhiều điều đã xảy ra. Nhiều gia đình đã di cư hoặc bị phân tán khắp nơi… Nhiều ngôi nhà bị chia sẻ,
chiếm dụng”.
Trần Hậu Yên Thế đã phục dựng nguyên trạng ngôi nhà với bản vẽ trên giấy dó dựa trên ký ức của chủ nhân ngôi nhà và những người chứng kiến sự đổi thay của nó, cùng những phỏng đoán kiến trúc theo cách nhìn của anh.
Dự án được bắt tay thực hiện từ tháng 5 đến tháng 10/2013. Kỹ thuật phù điêu ảnh là một trong kỹ thuật mới của Thế Sơn. Những bức phù điêu được chụp cắt lớp, bóc tách các lớp và chồng đè liên tiếp lên nhau thể hiện được số phận của ngôi nhà trong những biến thiên thời cuộc. Có hàng trăm chi tiết trong một bức ảnh và tác phẩm được cấu thành từ 7-8 lớp ảnh.
“Với dự án nghệ thuật này, tôi lắng nghe các ngôi nhà nói, lắng nghe con người nói. Và tôi hy vọng chính ngôi nhà biết cất tiếng nói với khán giả. Đây là cách làm mới và khá thú vị, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời sống, mang đến cảm giác chân thực và công chúng mọi lứa tuổi đến xem đều có thể hiểu”- Nguyễn Thế Sơn cho biết.
Trần Hậu Yên Thế lại cho biết, anh khá vất vả trong việc kích thích “vùng tối của tâm thức” của những chủ nhà để tạo ra bản hồ sơ cho từng ngôi nhà. Anh mất khá nhiều thời gian cho việc hỏi, tìm hiểu dấu vết kiến trúc của từng ngôi nhà. “Đa số họ đều trên 70 tuổi, việc hỏi han họ là việc hết sức khó khăn. Nhiều người không biết và cũng không muốn cho mình biết”- anh cho hay.
Có những thời điểm cả hai nghệ sỹ cùng lên kế hoạch đi phỏng vấn, chụp ảnh nhưng gặp khá nhiều khó khăn vì hầu như không mấy ai còn biết về lịch sử ngôi nhà. Nguyễn Thế Sơn kể, có những hình ảnh anh cần nhưng lại không còn trên thực tế. Trần Hậu Yên Thế đã lục lại trong tập ảnh lưu trữ của mình và hỗ trợ cho anh.
Anh Lê Đăng Ninh, người bạn đồng hành cùng Nguyễn Thế Sơn trong dự án cho biết, đã từng đi qua, xem nhiều nhà mặt phố, nhưng không ngờ với những “nhà Tây” này sự mai một lại ghê gớm như vậy. Có những ngôi nhà bị bịt kín, quây tròn và che lấp đi, không thể nhận ra.
Bà Nguyễn Thị Nga, trú tại căn nhà 68 Đào Duy Từ, trước đây mang tên cụ Nguyễn Đình Phẩm cho biết, trước đây ngôi nhà là của gia đình, nhưng với sự thay đổi của thời cuộc, gia đình chỉ được sử dụng tầng 2. “Chúng tôi phải cố gắng sử dụng không gian sống. Ban công ngôi nhà chia làm 3 phần, một để bình nước, một để lấy chỗ nấu nướng, còn lại quây làm nhà tắm. Có lẽ chính vì vậy mà ngôi nhà nơi tôi ở nó không đẹp như trước. - bà Nga cho biết.
Một ngôi nhà với mặt tiền rộng, ít ai biết đằng sau hàng quán dịch vụ mặt tiền là cuộc sống của 12 hộ gia đình “xoay” quanh diện tích chật hẹp.
Bà Minh, sống tại số nhà 14 Đường Thành, Hà Nội cho biết: “chúng tôi vẫn cố gắng giữ gìn ngôi nhà cổ nhưng thực sự bất lực trước sức tàn phá của thời gian và những người khác".
Việc phục hồi những ngôi nhà cổ này là rất khó. Nhưng những tác phẩm của hai nghệ sỹ là một cố gắng giữ gìn những giá trị còn sót lại.