Khi giáo sư hàng đầu thế giới dạy miễn phí tại Việt Nam

TP - Từ đất nước Bắc Âu xa xôi, Giáo sư (GS) Matthias Paetzold, giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực mô hình vô tuyến, đã chọn Việt Nam để trao truyền tri thức. Hằng năm ông sang trường ĐH Bách khoa Hà Nội để giảng dạy cho sinh viên tại Viện Điện tử Viễn thông, thực hiện các hội thảo chuyên đề mà không đòi hỏi kinh phí hỗ trợ. Đã ba năm nay, cứ vào dịp cuối năm, ông lại có mặt tại Việt Nam để làm công việc đầy trân quý này.
GS Matthias Paetzodl chụp cùng trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Một tình bạn đẹp

Tình cờ, trong một lần trò chuyện, tôi được PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội nói về GS Matthias Paetzold. “GS Matthias Paetzold hay lắm. ĐH Bách khoa Hà Nội có hai vị GS nước ngoài rất gắn bó, một trong hai người đó chính là GS Matthias Paetzold” - PGS Trần Văn Tớp hồ hởi nói.

“Cũng giống như cách chúng tôi đã áp dụng tại Na Uy trong vài năm gần đây. Rất nhiều công ty của nước ngoài đến Việt Nam đặt trụ sở, thu hút lao động. Cần phải thuyết phục các công ty này đầu tư một phần lợi nhuận của họ cho những chương trình nghiên cứu tại Việt Nam”. 

 GS Matthias PaetzolD

Cầu nối giữa GS Matthias với ĐH Bách khoa Hà Nội lại chính là PGS TS Nguyễn Văn Đức, Viện Điện tử - Viễn thông trường ĐH Bách khoa Hà Nội. GS Matthias Paetzold cho biết, mối lương duyên giữa ông và Việt Nam, đặc biệt là với ĐH  Bách khoa Hà Nội, bắt đầu từ năm 2004 khi PGS Nguyễn Văn Đức làm luận án sau tiến sĩ tại ĐH Agder, Na Uy, nơi ông làm việc. Sau khi PGS Nguyễn Văn Đức về Việt Nam, giữa hai người  đã thành lập một số dự án hợp tác nghiên cứu. Còn PGS Nguyễn Văn Đức thì cho biết, từ 2009 đến nay, GS luôn giúp các trường ĐH của Việt Nam tổ chức các hội thảo, hội nghị quốc tế về điện tử và truyền thông.

Không những thế, hai người còn hợp tác nghiên cứu đề tài mô hình kênh dưới nước do quỹ phát triển về khoa học và công nghệ quốc gia Nafosted tài trợ. Trong khuôn khổ thực hiện đề tài, GS Matthias Paetzold đã hỗ trợ nhóm nghiên cứu công khoa học quốc tế. Trong mỗi lần về Việt Nam hợp tác, GS làm các thuyết trình khoa học cho nghiên cứu sinh và hỗ trợ họ về thông tin thủy âm, thông tin vô tuyến.

Từ năm 2014, ĐH Bách khoa Hà Nội có chương trình tiên tiến, PGS Nguyễn Văn Đức đã mời GS. Matthias sang Việt Nam giảng dạy cùng. “Điều trân trọng và quý nhất ở GS Matthias đó là ông là một trong những GS đứng đầu thế giới về ngành vô tuyến. Nhưng khi sang giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường chỉ hỗ trợ chỗ ở thôi, còn lại tất cả các kinh phí khác là GS tự lo nguồn hỗ trợ” - PGS Nguyễn Văn Đức chia sẻ. Đã 3 năm nay, GS Matthias đều bay sang giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội mỗi năm hai tuần. Chia sẻ với Tiền Phong, GS Matthias  cho biết: “Khi tôi ở Việt Nam, PGS Nguyễn Văn Đức và tôi đã có cơ hội để tiến hành các dự án, viết lách cùng nhau, và khởi xướng các dự án mới. Tôi tự hào nói rằng, sau nhiều năm hợp tác cùng nhau, đến nay chúng tôi đã có một tình bạn khăng khít”.

Giáo sư Matthias Paetzold.

Việt Nam có thể “níu chân” người tài

Chia sẻ về những ngày giảng dạy tại trường ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Matthias Paetzold  cho biết, trường có chương trình đào tạo chứng chỉ cử nhân rất vững chắc với rất nhiều sinh viên tài năng. “Kết quả từ những bài kiểm tra trong các khóa học của tôi hàng năm luôn làm tôi ấn tượng” - GS Matthias Paetzold khẳng định. Ông cũng cho hay, ông nghe nói rằng những sinh viên ưu tú của Việt Nam  thường rời nước sau khi hoàn thành đào tạo cử nhân và tìm kiếm một chương trình đào tạo thạc sĩ tại một trường đại học nước ngoài. “Đây là một điều rất không tốt đối với Việt Nam. Vì những sinh viên tài năng ưu tú này sẽ không thể tiếp tục đóng góp cho phát triển  nước nhà nữa” - GS Matthias chia sẻ. Ông cũng cho biết,  chương trình đào tạo thạc sĩ của ĐHBK Hà Nội đã đi đúng hướng, cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Nó giúp điều chỉnh cho chương trình học đáp ứng được yêu cầu cần thiết của thị trường lao động, đem lại cả lợi ích cho sinh viên và ngành công nghiệp nói chung. “Tôi mong rằng những thay đổi này sẽ giúp giữ chân những sinh viên ưu tú, những nhà nghiên cứu tài năng” - GS Matthias nhận định.

Nói thêm về vấn đề đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam, GS Matthias cho rằng  vấn đề chính của chương trình đào tạo tiến sĩ hiện nay đó là nghiên cứu sinh tiến sĩ không có được một mức lương thỏa đáng từ trường ĐH. Mức lương được xem như là động lực để những sinh viên ưu tú theo học những chương trình đào tạo tiến sĩ và phấn đấu sự nghiệp của mình như một nhà khoa học. Tại những quốc gia khác như Đức hay Na Uy, nghiên cứu sinh thường nhận được một mức lương hoàn toàn có thể so sánh được với mức lương của những người làm việc trong ngành công nghiệp.

Ông cũng cho biết hợp tác quốc tế là một bước tốt để có thể có được công trình nghiên cứu mang tầm quốc tế. “Cũng giống như cách chúng tôi đã áp dụng tại Na Uy trong vài năm gần đây. Rất nhiều công ty của nước ngoài đến Việt Nam đặt trụ sở, thu hút lao động. Cần phải  thuyết phục các công ty này đầu tư một phần lợi nhuận của họ cho những chương trình nghiên cứu tại Việt Nam. Ví dụ, họ có thể cấp những khoản chi phí nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh đang làm tiến sĩ, như thế, sẽ có sức hút đối với các nghiên cứu sinh hơn. Hay Quỹ từ các công ty quốc tế sản xuất tại Việt Nam có thể sử dụng để cho các dự án nghiên cứu mà mục đích nhằm giải quyết các vấn đề về có liên quan đến lợi ích của các sản phẩm của công ty. Đó sẽ trở thành một giải pháp mà đôi bên đều có lợi: cả nền công nghiệp và các ĐH” - GS Matthias Paetzold nêu quan điểm.