Khép kín đường Vành đai 3 và Vành đai 3,5 Hà Nội: Gỡ bài toán 'khát' vốn

TP - Để giảm ùn tắc trong nội đô và tạo liên kết vùng, UBND thành phố Hà Nội vừa chấp thuận chi trên 31,5 nghìn tỷ đồng để hoàn thiện đường Vành đai 3, Vành đai 3,5. Đây là các tuyến đường thành phố thực hiện cả chục năm nay nhưng do “khát” vốn nên đến nay thi công chưa xong.
Quy hoạch các tuyến đường Vành đai nội đô Hà Nội được yêu cầu thi công xong đến năm 2025

Nối Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên

UBND thành phố Hà Nội vừa cho biết, để hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và giảm ùn tắc trong nội đô, trong hơn 10 năm qua thành phố đã tập trung triển khai 5 tuyến vành đai nội đô và 2 tuyến đường vành đai kết nối liên vùng.

Trong 5 tuyến vành đai nội đô, gồm có: Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5.

Đề cập đến tiến độ, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, trong 5 tuyến vành đai này hiện mới chỉ hoàn thành và khép kín được vành đai 2. Bốn tuyến còn lại vẫn có nhiều đoạn chưa thi công xong. Cụ thể: Vành đai 1 còn đoạn Hoàng cầu - Voi Phục; Vành đai 2,5 còn ba đoạn: Khu đô thị mới Dịch Vọng - đường Dương Đình Nghệ, Trung Kính - Trần Duy Hưng, Ngụy Như Kom Tum - Đầm Hồng; Vành đai 3 còn lại một đoạn: Cầu Thăng Long - Cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên; Vành đai 3,5 còn bốn đoạn: Cầu Thượng Cát - Quốc lộ 32, Phúc La - Văn Phú - Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Cầu Ngọc Hồi, Bắc cầu Thượng Cát đến tuyến đường nối Vành đai 3 và Vành đai 4.

Đối với hai tuyến vành đai liên vùng là Vành đai 4 và Vành đai 5, UBND thành phố Hà Nội cho biết, tuyến Vành đai 4 chưa hình thành, Vành đai 5 mới hình thành một số đoạn là QL21 (từ Ba Vì đi Xuân Mai), nhưng chỉ là đường QL21 hiện hữu, chưa được cải tạo nâng cấp theo tiêu chuẩn của Vành đai 5.

Do việc giải phóng mặt bằng và thi công các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 trong các quận trung tâm khó khăn, chi phí lớn nên trong kế hoạch phát triển hạ tầng trong 5 năm tới, UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố tập trung đầu tư, thực hiện các tuyến Vành đai 3, Vành đai 3,5.

Với tuyến Vành đai 3, hiện các đơn vị đã thi công xong trên 80% đoạn tuyến đoạn từ cầu Phù Đổng đến cầu Thăng Long dài 44 km, giờ tuyến đường còn đoạn từ cầu Thăng Long đến nút giao với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên dài 14 km chưa thi công.

Cho ý kiến về việc này, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, đoạn này đã có nhà đầu tư đề xuất thi công dự án theo hình thức hợp đồng BT, tuy nhiên đến nay loại hình hợp đồng này đang bị dừng.

Trước mức độ cấp thiết của đoạn dự án trên, UBND thành phố Hà Nội vừa có chủ trương chuyển hình thức huy động vốn đầu tư sang đầu tư công. Theo đó, với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng được tư vấn tính toán, UBND thành yêu cầu thi công dự án trong giai đoạn 2021 - 2025.

29 nghìn tỷ đồng cho Vành đai 3,5

Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, theo quy hoạch và hiện trạng các dự án thành phần trên tuyến Vành đai 3 đã được lập, toàn tuyến có chiều dài 46,6 km, chiều rộng mặt cắt ngang là 42 đến 80 mét. Tuyến có điểm đầu tại nút giao với Vành đai 3, Vành đai 4 (Đông Anh), điểm cuối là cầu Ngọc Hồi bắc qua sông Hồng (Thanh Trì). Tuyến có 2 cầu vượt sông Hồng là cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi.

Hiện nay, tuyến đường được chia làm 6 đoạn với các hình thức đầu tư khác nhau.

Sau khi việc huy động vốn đầu tư xã hội hóa theo hợp đồng BT cho nhiều đoạn dự án Vành đai 3,5 không còn phù hợp, để hoàn thiện hạ tầng, và giảm tải ùn tắc cho đường Vành đai 3, các tuyến đường phía Nam, UBND thành phố Hà Nội vừa đưa ra chủ trương đầu tư toàn bộ tuyến đường Vành đai 3,5 (trừ đoạn từ QL32 đến Đại lộ Thăng Long đang được UBND huyện Hoài Đức là chủ đầu tư thực hiện) bằng vốn đầu tư công. Theo đó, với tổng mức đầu tư 29.000 tỷ đồng, UBND thành phố Hà Nội vừa giao cho các sở ngành liên quan lập dự án, thi công đường Vành đai 3 trong vòng 5 năm, bắt đầu từ 2021 đến 2025.