Tham dự chương trình có bà Nguyễn Thị Thanh - Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trịnh Việt Hùng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên; ông Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam...
Cách đây 75 năm (ngày 4/4/1949), tại thôn Bờ Rạ, xã Tân Thái, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ra đời. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên của Báo chí cách mạng Việt Nam, cũng là cơ sở đào tạo duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngày 28/3/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1182/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Ngày 4/4/2019, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Bia Di tích.
Ngày 18/01/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên và các đơn vị chức năng khởi công Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Sau gần 7 tháng thi công, công trình hoàn thành đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật.
Với việc khánh thành Công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, sẽ phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử của Di tích; bổ sung thêm một điểm đến ý nghĩa, đáp ứng mong mỏi của các thế hệ người làm báo cả nước, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử.
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu, mong muốn cơ quan Bảo tàng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Đại Từ, Ban Quản lý Di tích và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện kế hoạch, đề án quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; gắn kết với các địa danh lịch sử, văn hóa, hình thành tuyến du lịch về nguồn ý nghĩa...
Dự kiến, sau khi khánh thành, di tích sẽ được khai thác, tổ chức đón tiếp các đoàn khách tham quan, các nhà báo về nguồn, các sinh viên và học sinh học tập và trải nghiệm về lịch sử báo chí; đồng thời là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo về báo chí, tổ chức các chương trình đào tạo ngắn hạn, nơi phát thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, lễ trao các giải báo chí khu vực và địa phương…
Nhà báo Lê Quốc Minh cho biết thêm, di tích Trường Dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng dự kiến sẽ được đưa vào danh mục các điểm tham quan “Thủ đô gió ngàn” (Thủ đô của đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gồm Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn), trong đó Thái Nguyên giữ vị trí đặc biệt quan trọng, vị trí trung tâm của “Thủ đô kháng chiến”.
Nhân dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam và UBND tỉnh Thái Nguyên đã tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp xây dựng Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.