Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022. Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới nền kinh tế nước ta dự báo vẫn gặp những khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 và biến động tình hình quốc tế, khu vực; thuận lợi, khó khăn đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là các Nghị quyết của Chính phủ, các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Trong đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trong và sau Tết để có phương án phòng, chống dịch phù hợp. Tập trung triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” Chiến dịch tiêm chủng vắc xin Mùa Xuân năm 2022, bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Khẩn trương mua, tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi
Nghị quyết giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022- 2023) trình Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 2 năm 2022. Tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới. Chịu trách nhiệm cung ứng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19. Triển khai khẩn trương mua, tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo Nghị quyết riêng của Chính phủ về việc này.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương: Phối hợp với các bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan, trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý I năm 2022; hoàn thiện các quy định về nền hành chính công vụ minh bạch, liêm chính để ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Tiếp tục cập nhật, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy trình, phác đồ, theo dõi y tế, chăm sóc, điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhiễm COVID-19, các ca bệnh nhẹ, trường hợp tiếp xúc gần. Thúc đẩy sản xuất trong nước vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần nhanh nhất về thủ tục hành chính và bảo đảm các yêu cầu về khoa học, chuyên môn. Chủ động công bố, cho phép nhập khẩu, sản xuất thuốc điều trị trong nước theo quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống đầu cơ, tiêu cực.
Giao Bộ Y tế khẩn trương xem xét, quyết định theo thẩm quyền cho phép việc lưu thông, phân phối thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả. Bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên, công việc khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh khác cho nhân dân trong dịp Tết.
Giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động thực hiện hoặc khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp quản lý thị trường chứng khoán, góp phần minh bạch các hoạt động đầu tư trên thị trường, ngăn ngừa các hành vi trục lợi, phát triển thị trường bền vững hơn. Tăng cường giám sát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát tình hình, kịp thời có các giải pháp phù hợp để tiếp tục duy trì ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối. Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Sớm hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc khẩn trương trình Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Phấn đấu mở cửa du lịch toàn quốc trước ngày 30/3
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ triển khai triển khai Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trình Chính phủ ban hành; tổ chức triển khai Dự án bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.
Triển khai có hiệu quả các quy hoạch ngành quốc gia lĩnh vực giao thông vận tải; khẩn trương phê duyệt các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Xem xét kỹ và chủ động quyết định nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ, bảo đảm nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tạo điều kiện thuận lợi đi lại trên cơ sở tuân thủ hướng dẫn về giám sát y tế nhập cảnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan sớm công bố lộ trình mở cửa lại hoạt động du lịch, bảo đảm tính tổng thể, liên thông, thống nhất, nhất quán với hoạt động giao thông vận tải trong mọi loại hình và an toàn, khoa học, phù hợp, hiệu quả; phấn đấu mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc trước ngày 30/3/2022, chậm nhất là ngày 30/4/2022. Theo dõi sát diễn biến của dịch bệnh để có biện pháp quản lý lễ hội phù hợp với tình hình, bảo đảm an toàn.
Khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, lộ trình mở cửa trường học
Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương khẩn trương ban hành quy định tiêu chuẩn, tiêu chí, công bố lộ trình với thời gian cụ thể về việc mở cửa trường học để đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp gắn với an toàn phòng, chống dịch. Xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên ngay sau kỳ nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc. Phối hợp với Bộ Y tế chuẩn bị các phương án, kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra dịch bệnh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất phương án để báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết của Chính phủ thực hiện một số chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, sau kỳ nghỉ Tết, cần bảo đảm tập trung xử lý công việc ngay từ những ngày làm việc đầu tiên.