Ngày 26/12, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, Thành Đoàn TPHCM phối hợp VinaCapital Foundation (VCF) và Hội Thầy thuốc trẻ TPHCM tổ chức chương trình khám sàng lọc cho trẻ em bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình “Yêu thương nâng bước" (Care to Rise), chương trình hướng đến hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ mồ côi hậu COVID và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian qua.
Từ tháng 11/2021, Thành Đoàn TPHCM và VCF đã triển khai chương trình “Yêu thương nâng bước” nhằm tiếp cận, bảo vệ và thực hiện kế hoạch chăm sóc dài hạn cho các trẻ mồ côi thông qua hoạt động khảo sát đánh giá từng trường hợp, khắc phục các khó khăn ngắn hạn và trung hạn, phát triển kế hoạch hỗ trợ dài hạn với mục tiêu chăm lo cho tương lai các em.
Đến nay, chương trình đã hoàn thành giai đoạn 1 – khảo sát và đánh giá tại nhà các em. Tiếp nối chuỗi hoạt động trên, chương trình thực hiện khám sức khỏe toàn diện ngay khi bắt đầu tiến hành các công việc của giai đoạn 2. Diễn ra trong hai ngày 26 và 27/2, chương trình có sự tham gia của hơn 40 bác sĩ cùng 100 tình nguyện viên.
Các trẻ sẽ được kiểm tra sức khỏe tổng quát. Tiếp đó, những em có vấn đề sức khỏe phức tạp hơn sẽ được các thầy thuốc chuyên khoa kiểm tra kỹ càng hơn để đưa ra những chỉ định phù hợp theo từng chuyên khoa: răng hàm mặt, mắt, X-quang phổi, tâm lý, dinh dưỡng, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng và vật lý trị liệu. Tình trạng sức khỏe của từng trẻ sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu của chương trình để theo dõi và kiểm tra định kỳ trong tương lai.
Trong giai đoạn 3, chương trình sẽ có kế hoạch phát triển phù hợp với từng trẻ cho tới lúc trưởng thành.
BS. Trần Thị Thúy Hằng (khoa Khám bệnh, BV Nhi đồng 1 TPHCM) cho biết sau khi mắc COVID-19 nhờ tuổi còn nhỏ nên cũng không bị vấn đề hậu COVID nhiều, tuy nhiên đã xuất hiện những vấn đề khác về dinh dưỡng, răng hàm mặt, mắt thường gặp, một số khác gặp vấn đề sút cân. “Có em chủ động chia sẻ với mình về nỗi buồn mất đi bố mẹ, ít nói hơn bình thường. Khi đó mình sẽ giới thiệu em đến khám thêm về tâm lý. Còn hầu hết các trẻ khác vẫn thoải mái, vui vẻ trò chuyện với bác sĩ”, BS Thúy Hằng nói và cho biết thêm, dù các em nhiễm bệnh nhưng gần như không gặp phải những biểu hiện ảnh hưởng hậu COVID-19 bởi tỷ lệ ảnh hưởng của trẻ em là rất thấp.
BS. Ngọc Hương (BV Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, hậu COVID-19 dù chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng qua lâm sàng thấy được có nhiều trường hợp bị giảm thị lực, liệt vận nhãn hoặc bị tổn thương dây thần kinh, sụp mi… Những biểu hiện này xuất hiện sau khi mắc COVID-19 và cũng chưa thể khẳng định được là do COVID tác động đến các cơ quan thị giác hay thúc đẩy các yếu tố sẵn có trong người rồi. Điều đó cần được nghiên cứu thêm.
Trong khi đó, qua tìm hiểu những trường hợp trẻ có người thân mất vì COVID-19, BS. Nguyễn Thị Huyền (Bệnh viện thành phố Thủ Đức) cho biết phần lớn trẻ có tâm lý bất ổn, sợ hãi hoặc né tránh khi nhắc đến nỗi đau mất mát này. Theo BS. Huyền, ngoài các biểu hiện tâm lý này, trẻ gần như không bộc lộ vấn đề sức khỏe nào khác. “Với những trường hợp này, tôi nhắc các em rằng khi có ai nhắc đến vấn đề đó, thay vì né tránh thì các em nghĩ xem mình sẽ vượt qua nỗi đau bằng cách nào. Thực tế trong một số trường hợp tôi tiếp xúc, có em đã thể hiện niềm vui khi mẹ đã làm được những điều cho bé trước khi qua đời. Em ấy đã kể những điều tốt nhất về mẹ với một tâm trạng rất vui. Mặt khác cũng có bạn rất buồn, hay không bộc lộ cảm xúc gì khi chưa nhận thức được việc mất đi người thân”, BS. Huyền chia sẻ.
Lưu ý hội chứng MISC
Qua thăm khám khoảng 10 trường hợp đầu tiên với số em bị nhiễm COVID-19 chiếm khoảng 1/3, BS Đặng Xuân Khôi (BV Nhi đồng Thành phố) cho biết hầu hết các bé không gặp biến chứng nguy hiểm hậu COVID mà chủ yếu vẫn là những vấn đề tâm lý. “Các bé tôi thăm khám là những em mất cha hoặc mẹ, hoặc mất cả hai, vì thế tôi cho rằng cần quan tâm theo dõi tâm lý và dinh dưỡng cho các bé nhiều hơn. Thực tế các em có biểu hiện thu mình lại, ít nói, buồn rầu. Khi đó bé cần được chuyển sang chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ kỹ lưỡng hơn.
BS Khôi cũng cho biết thêm, một trong những vấn đề đáng lưu tâm là hội chứng MISC (viêm đa hệ thống) hậu COVID-19. Với những trường hợp này, sau khi đã âm tính và khoảng 2 tuần đến 1 tháng, bé có thể bị sốt, nổi ban da, tiêu chảy, nôn ói, có thể bị sốc nguy hiểm đến tính mạng. “Khi bé có biểu hiện như vậy thì người thân cần đưa các em đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ kiểm tra các vấn đề lâm sàng xem có gặp phải các triệu chứng thuộc MISC hay không. Mặt khác, qua phương pháp cận lâm sàng, bác sĩ có thể ghi nhận những bất thường này có phải do hậu COVID gây nên hay không”, BS Khôi lưu ý.Nối dài hoạt động chăm lo cho trẻ
Chị Trần Thu Hà, Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TPHCM cho biết thời gian qua tổ chức Đoàn - Hội - Đội thành phố đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong quá trình học tập và sinh hoạt. Theo chị Hà, nhiều chương trình hiện vẫn đang được các cấp bộ Đoàn ấp ủ và sẽ thực hiện trong thời gian tới, do đó chặng đường của “Yêu thương nâng bước” sẽ còn nối tiếp để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho các em trên địa bàn thành phố.
Chị Trần Thu Hà cho biết thêm, trước khi diễn ra chương trình khám sàng lọc hôm nay, Thành Đoàn TPHCM đã thông báo và mời tất cả những trẻ em bị ảnh hưởng của COVID-19 đã khảo sát trước đó đến chương trình để tham gia khám sàng lọc. “Chúng tôi mong tất cả các em sẽ được chăm lo và hỗ trợ về những vấn đề sức khỏe sau thời gian ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng có một số em và gia đình không thể tham gia do phần nào lo ngại tình hình dịch bệnh đang căng thẳng”, chị Hà nói.