Vượt khó viết tiếp ước mơ
Lê Thị Hoàn Dung, sinh năm 2006, là người đồng bào dân tộc Raglai ở thôn Là A (xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) thuộc gia đình khó khăn. Ba của Dung làm thợ cắt tóc ở chốn thôn quê, thu nhập không ổn định nhưng lại mắc bệnh tâm thần phân liệt. Từ nhỏ, ba là người duy nhất chăm sóc, nuôi nấng Dung, chắt chiu từng đồng tiền ít ỏi từ nghề cắt tóc để Dung được đến trường như bao bạn cùng trang lứa.
Khi còn đang học ở trường THPT, Dung cố gắng học tập thật tốt để có kết quả cao nhất vì em có ước mơ được vào giảng đường đại học. Với nỗ lực vượt nghịch cảnh học tập, Dung đã đạt được kết quả tổng các môn gần 27 điểm, trở thành thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương).
“Khi biết đậu vào trường đại học công lập, dù rất vui mừng, hạnh phúc, cánh cửa giảng đường đại học đã mở ra song nhìn lại hoàn cảnh gia đình, thật sự em lại có cảm giác rất buồn. Tâm trạng lúc đó thật khó có thể nói lên lời. Vui vì ước mơ đã thành sự thật nhưng nghĩ đến kinh phí cho bốn năm học lấy từ đâu?”- Dung nhớ lại.
Học hết cấp 3, Dung rời quê đến Bình Dương, nơi ngôi trường đại học mà em trúng tuyển nhưng khi đó chỉ suy nghĩ là để đi xin việc làm phụ giúp cha. Khi chưa đến thời gian nhập học, Dung xin việc làm và tự hứa với bản thân rằng, phải cố gắng kiếm tiền để tích lũy theo đuổi ước mơ vào đại học dù có muộn hơn các bạn đồng trang lứa.
“Trong thời gian đi làm, em suy nghĩ rất nhiều và nhận ra rằng con đường học vấn chính là cách duy nhất để có thể thay đổi cuộc sống của mình sau này. Thế nên, em quyết định ngay từ bây giờ phải thực hiện ước mơ mà không chờ đợi nữa. Em sẽ vừa đi học vừa đi làm để có kinh phí theo đuổi đến cùng ước mơ”- nữ sinh người đồng bào Raglai chia sẻ.
Dung cho biết, khi được bước vào cánh cửa đại học, em luôn nỗ lực không ngừng nghỉ trong học tập với quyết tâm phải đạt kết quả cao nhất có thể trong các kỳ thi. Dung nói: “Em hy vọng sau bốn năm đại học, có thể cầm trên tay tấm bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh, trở về quê hương làm giáo viên tiếng Anh. Ước mơ của em không chỉ dừng lại ở tương lai của bản thân sau này mà còn muốn tạo động lực học tập cho các em học sinh nơi mình sinh ra và lớn lên”.
“Bằng tất cả tâm huyết và những kiến thức đã tích lũy, em mong muốn cống hiến cho cộng đồng, đóng góp một phần nhỏ bé vào sự đổi thay của nơi “chôn rau cắt rốn”. Dẫu biết chặng đường phía trước còn lắm chông gai, nhưng em sẽ cố gắng vượt qua tất cả”- nữ thủ khoa ngành Ngôn ngữ Anh bày tỏ.
Khao khát mãnh liệt với con chữ
Trần Ngọc Anh Thy, sinh năm 2006 (quê Bình Dương) là sinh viên năm nhất, ngành Quản trị Kinh doanh Đại học Thủ Dầu Một. Cha mất vì căn bệnh ung thư khi em chưa đầy 2 tuổi, để lại mẹ gánh vác cả gia đình. Gia đình Thy thuộc diện khó khăn tại địa phương nên mẹ đành gửi hai chị em ở nhà bà nội để đi làm. Hai chị em lớn lên trong sự chăm sóc của bà nội, nhưng nay bà đã tuổi cao sức yếu, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, mọi trách nhiệm đổ dồn lên đôi vai của mẹ Thy. Vì kinh tế gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau nên chị gái của Thy đã phải từ bỏ ước mơ học tập để đi làm công nhân, hỗ trợ mẹ gánh vác gia đình. Tuy nhiên, thu nhập của hai mẹ con vẫn rất eo hẹp, chỉ đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu.
Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Anh Thy vẫn luôn nỗ lực học tập. Cô biết rằng chỉ có con đường học vấn mới giúp mình và gia đình thay đổi tương lai. Ban đầu, Thy không dám bày tỏ mong muốn học đại học vì biết mẹ sẽ rất vất vả. Nhưng với khát khao mãnh liệt, cô đã thuyết phục mẹ đồng ý, để rồi bắt đầu một hành trình vừa học, vừa làm.
“Khi vừa tốt nghiệp THPT, em mơ ước bước vào cánh cửa đại học, nhưng mẹ không có đủ kinh tế nên em từng có suy nghĩ bỏ cuộc. Sau đó, em đã nói chuyện lại với mẹ, bày tỏ mong muốn vừa học vừa kiếm việc làm và đã được mẹ đồng ý. Lúc đó em rất vui”, Thy nhớ lại.
Hiện tại, ngoài thời gian học tập tại trường, Thy làm thêm để tự trang trải phí sinh hoạt và một phần học phí. Dù vậy, thu nhập từ công việc bán thời gian không thể giảm hết áp lực tài chính cho gia đình.
Bận rộn với công việc làm thêm là thế nhưng Thy không lơ là học tập, cô luôn nghiêm túc và chủ động tìm hiểu thêm kiến thức bên ngoài. Thy được bạn bè nhận xét là một người nghiêm túc và tích cực khi luôn chuẩn bị bài trước ở nhà trước khi đến lớp và sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và giúp đỡ bạn bè.
Trong kỳ tuyển sinh năm 2024, Thy đạt thứ hạng 2 của trường với điểm số ấn tượng 8,80/10. Nhận được sự động viên từ nhà trường, Thy đã đăng ký tham gia chương trình học bổng "Nâng bước thủ khoa 2024" do báo Tiền Phong tổ chức. Thy cho rằng, học bổng này sẽ giúp cô giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính, để cô có thể tập trung tốt hơn vào việc học.
“Em mong rằng học bổng sẽ giúp gia đình bớt đi một phần gánh nặng, để mẹ không còn phải lo lắng nhiều. Em sẽ cố gắng hết mình trong học tập để không phụ lòng mẹ và mọi người”- Thy nói và mong muốn, sau khi tốt nghiệp sẽ tìm được một công việc ổn định để giúp đỡ gia đình và đền đáp sự hy sinh của mẹ và chị gái.