Khám phá mẫu máy bay “bất tử” của Không quân Mỹ

Miễn nhiễm trước mọi hệ thống tên lửa phòng không và gần như không thể đánh chặn, SR-71 là máy bay bất tử của Không quân Mỹ.

Tính tới thời điểm hiện tại, trên thế giới vẫn chưa có bất kỳ mẫu máy bay trinh sát nào vượt qua được cái bóng của SR-71 - máy bay trinh sát chiến lược tầm xa của Không quân Mỹ kể từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nó vào tháng 12/1964. Sau hơn 50 năm, vị trí của SR-71 trong ngành công nghiệp hàng không thế giới không hề có sự thay đổi.

SR-71 được Tập đoàn Lockheed (tiền thân của Lockheed Martin) và Skunk Works hợp tác phát triển từ đầu những năm 1960 theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Mỹ. Nó hoạt động liên tục trong suốt 26 năm từ năm 1964 cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1990. Sau đó SR-71 tiếp tục được Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA sử dụng trong các hoạt động thử nghiệm.

Vào năm 1976, SR-71 là mẫu máy bay có người lái nhanh nhất trên thế giới với tốc độ bay lên đến hơn 3.540km/h (Mach 3.3).

Theo phi công Richard Graham - người từng điều khiển SR-71, bên trong buồng lái của “chim đen” rất yên tĩnh. Bạn có thể nghe thấy tiếng kim loại va vào nhau khi máy bay đang ở vận tốc siêu thanh và điều thú vị nhất là ở độ cao hơn 21.000m đường cong của Trái Đất hiện ra rõ hơn bao giờ hết.

Để đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, toàn bộ thiết bị điện tử trên SR-71 đều được làm bằng hợp kim đặc biệt và vàng, trong đó các công tắc điện tử và dây dẫn đều làm bằng vàng vì kim loại quý này ở nhiệt độ cao vẫn đảm bảo khả năng truyền dẫn tốt hơn bạc và đồng.

Thậm chí hệ thống bánh lốp của SR-71 cũng được làm bằng hợp kim để tránh các chi tiết quá nóng khi máy bay tiếp đất, bánh lốp cũng được bơm bằng khí Nitơ.

Dù được xem là một mẫu máy bay tàng hình, nhưng trên thực tế SR-71 không tàng hình hoàn toàn. Tuy nhiên để khắc phục điều này nó được trang bị hệ thống gây nhiễu làm gián đoạn hệ thống thông tin liên lạc hoặc tín hiệu radar của đối phương.

Trong suốt thời gian hoạt động của mình SR-71 từng bị tấn công bởi hơn 1.000 quả tên lửa phòng không và không đối không nhưng chưa bao giờ chúng bị bắn hạ.

Dù được trang bị hệ thống định vị tiên tiến R2-D2 nhưng các phi công SR-71 tin rằng không có hệ thống điện tử nào chính xác bằng con người.

Toàn bộ phần thân của SR-71 được làm bằng Titan của Liên Xô và thật mỉa mai là người Mỹ lại sử dụng SR-71 để do thám chính nơi góp phần tạo ra chúng.

Toàn bộ phần thân của SR-71 được sơn bằng 27kg sơn đen đặc biệt với khả năng giúp thân máy bay mát hơn khi nó bay ở tốc độ gấp 3 lần vận tốc âm thanh.

Mức tiêu hao nhiên liệu quá lớn của SR-71 cũng là một vấn đề của dòng máy bay này và để tăng tầm hoạt động nó thường đi kèm với một máy bay tiếp nhiên liệu trên không.

Có tổng cộng 32 chiếc SR-71 được Không quân Mỹ đưa vào trang bị nhưng có tới 12 chiếc trong số đó bị phá hủy trong các tai nạn và nước Mỹ khá may mắn khi chỉ mất 1 phi công trong các tai nạn này.

SR-71 cũng sử dụng một loại nhiên liệu máy bay đặc biệt có tên JP-7 với đặc tính có độ đốt cháy nhanh, tuy nhiên giá thành của loại nhiên liệu cũng không hề rẻ khi nó ngốn của SR-71 từ 24.000-27.000 USD cho một giờ hoạt động.

Tất cả các phi công điều khiển SR-71 đều phải có độ tuổi từ 25-40, đều đã lập gia đình và có tình cảm ổn định.

Dù tồn tại hơn 50 năm nhưng những bí mật của SR-71 chưa bao giờ được công bố hết và những tấm ảnh do thám Liên Xô được chụp từ chúng cũng hoàn toàn tuyệt mật.

Theo Theo Kiến Thức