Khai quật khu lò gốm cổ lớn ở Bình Thuận

Sở Văn hóa Thông tin và Bảo tàng tỉnh Bình Thuận vừa hoàn thành khai quật một lò gốm cổ của người Chăm tại khu Gò Lôn (xã Hàm Nhơn, Hàm Thuận Bắc).

Khu khai quật có diện tích rộng trên 500 m2, có nhiều hiện vật rất phong phú về chủng loại.

Qua phân tích cho thấy, niên đại của khu lò gốm được xác định có từ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI kéo dài qua các thế kỷ sau. Sản phẩm gốm Chăm trong khu lò gốm bao gồm nhiều loại hình từ gốm kiến trúc, gốm nghệ thuật, gốm dân dụng; đáng lưu ý là khuôn đúc đồng, khuôn in gốm nghệ thuật và số lượng đáng kể về gốm tôn giáo như sưu tập tượng, vòng và các khuôn đúc chạm trổ khá tinh vi. Các sản phẩm gốm có màu nâu, xám, xương gốm cứng.

Nghiên cứu các lò gốm cho thấy, sản phẩm gốm chủ yếu dùng kỹ thuật bàn xoay, lò nung cấu tạo theo chu trình khép kín. Các loại hoa văn trang trí trên thân gốm sản phẩm phong phú và độc đáo, một số hình loại ngày nay người Chăm vẫn dùng trang điểm trên sản phẩm. Nguyên liệu được dùng để sản xuất ra các thành phẩm chủ yếu là sét màu bạc và vàng.

Các chuyên gia đã phát hiện có rất nhiều lò gốm xây gần kề nhau, lò sau chồng lên lò trước; bên cạnh là khu phế thải những sản phẩm hỏng do quá trình nung, hoặc quá chín, hoặc bị méo, nứt, bể. Những sản phẩm này bị vùi chung với than, tro do nung lâu đời mà thành gò. Có những hố khai quật các tầng văn hóa còn lại trong lòng đất có độ dày lên đến 2 m.