Khai giảng không bóng bay, chú trọng 'tiên học lễ'

TP - Thay vì thả ước mơ theo những quả bóng bay lên trời xanh, năm nay, nhiều trường sẽ cho học sinh viết ước mong của mình lên những tờ giấy nhỏ xinh rồi dán lên cây. Các trường học cũng có kế hoạch tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, giải quyết gốc rễ vấn đề bạo lực học đường.
Khai giảng năm học mới năm nay sẽ không có bóng bayảnh: Như Ý

Lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường

Giữa tháng 7, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 6, Trường Marie Curie Hà Nội, gửi thư tới 40 trường ở Hà Nội với lời khẩn cầu không thả bóng bay trong lễ khai giảng để bảo vệ môi trường. Bức thư của Linh nhận được nhiều thư hồi đáp của các trường ngoài công lập cam kết nói không với bóng bay trong ngày khai giảng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà gửi thư khen ngợi ý tưởng cô trò nhỏ. Nhiều trường học ở các tỉnh, thành trên toàn quốc sau đó cũng tuyên bố nói không với bóng bay, phát động phong trào nói không với chai nhựa, túi ni lông. Nhiều học sinh đề nghị bố mẹ không bọc sách vở bằng ni lông.

Ông Hà Văn Nhâm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cho biết, trong lễ khai giảng năm nay thay vì thả những chùm bóng bay, trường sẽ gợi mở học sinh viết ước mơ lên những tấm giấy màu nhỏ xinh, dán trong lớp học.

Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp Newton (Hà Nội), cho hay, từ đầu năm học 2019-2020, trường đã phát động phong trào học sinh, giáo viên không sử dụng chai nhựa, túi nilong. Mỗi lớp có cây nước, học sinh uống nước bằng cốc dùng nhiều lần. Lễ khai giảng năm nay trường cũng nói không với bóng bay, thay vào đó, học sinh có thể viết ước mơ dán lên cây thành tích của lớp.

Lễ khai giảng chủ yếu là phần hội và chú trọng đón học sinh lớp 1, lớp 6, lớp 10. Trước đó, trường đã tổ chức nhiều ngày hội, gala để học sinh tham gia văn nghệ, làm quen với không gian học tập, nếp ăn, nếp ngủ, kết nối các thế hệ học sinh với nhau.

Ngôi trường không điểm số Sping Hill ở huyện Quốc Oai, Hà Nội gọi tên lễ khai giảng là “Mùa thu khai trường” không đồng phục, không hoa và không cả bài phát biểu của hiệu trưởng. Nhà trường gửi thư mời tất cả phụ huynh cùng tham dự với giáo viên, học sinh. Sau đó, học sinh sẽ làm thủ công sáng tạo từ các vỏ chai nhựa dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

Theo bà Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội), nhiều năm nay, trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, không đọc diễn văn, báo cáo dài dòng, không phát biểu của lãnh đạo. Ngày mai khai giảng, dự kiến buổi lễ chỉ diễn ra trong vòng 45 phút và không thả bóng bay. Đầu năm học, trường chỉnh trang phòng học, luôn ghi “5 điều Bác Hồ dạy” làm khẩu hiệu để giáo dục học sinh. Chủ đề của năm học mới là xây dựng trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), nói rằng, từ năm 2018, Bộ chỉ đạo tinh giản các thủ tục trong ngày khai giảng để tạo sự hào hứng cho học sinh, đặc biệt học sinh đầu cấp. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số trường vẫn tổ chức các hoạt động vì người lớn, chưa thực sự quan tâm đến mong muốn của học sinh, vì học sinh.

Năm nay, Bộ đã ký văn bản hướng dẫn năm học với tinh thần đổi mới, đề nghị các trường tổ chức phần lễ đơn giản, tăng phần hội, chú trọng lễ đón học sinh đầu cấp. Bộ cũng lưu ý các trường không đọc báo cáo tốn thời gian, gây mệt mỏi cho học sinh.

Trọng giáo dục đạo đức

Một trong ba vấn đề mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 (do Bộ GD&ĐT tổ chức) chính là tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Ông yêu cầu các nhà trường bám sát các khẩu hiệu “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “Tiên học lễ, hậu học văn”, và “5 điều Bác Hồ dạy”.

Giao nhiệm vụ cho ngành giáo dục trong năm học mới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các trường tập trung giáo dục đạo đức học sinh. Đó là trách nhiệm của tất cả giáo viên, không phải là chuyện của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Giáo dục công dân như trước.

Ông nói rằng, giáo dục đạo đức không phải là những chuyện cao siêu mà lấy gương người tốt việc tốt ngay trong trường học, lớp học xung quanh mình. Trường học cũng kết nối với phụ huynh để giáo dục học sinh, tránh tình trạng khoán gọn cho nhà trường. Đề nghị huy động toàn xã hội cùng chung tay giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Ông Lê Xuân Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội), cho rằng, lễ khai giảng chỉ cần học sinh mặc đồng phục, giáo viên mặc lễ phục và thầy trò tổ chức vui vẻ. Đầu năm học, các trường cần chú trọng dạy đạo đức, lối sống, kỷ cương trước khi học sinh học chữ, học văn hoá.

Nhiều trường vẫn tập trung đặt ra mục tiêu có nhiều học sinh đạt các giải thưởng cao, coi nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống, dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, xuống cấp đạo đức trong quan hệ thầy trò. Trường THPT Lê Lợi duy trì lễ chào cờ đầu giờ sáng thứ hai hằng tuần, giáo viên, học sinh hát Quốc ca. “Một việc nhỏ vậy thôi nhưng tôi dám chắc, ở đâu đó vẫn có người không thuộc và các trường bật nhạc có sẵn lên cho xong”, ông Trung nói.

TPHCM không thả bóng bay

Ngày 3/9, ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, như mọi năm, Sở GD&ĐT yêu cầu các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn với các nghi thức chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư Chủ tịch nước, diễn văn khai giảng, đánh trống trường, khen thưởng cá nhân, tập thể... Không bật băng thu sẵn giọng hát Quốc ca, diễn văn của hiệu trưởng phải ngắn gọn, không báo cáo thành tích.

Ngoài ra, không mời các lãnh đạo phát biểu tại buổi lễ mà chỉ đọc thư Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Trong lễ khai giảng, nhà trường tổ chức lồng ghép tổ chức lễ đón học sinh vào đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10), vận động phụ huynh học sinh cùng tham gia.

Về phong trào “nói không” với bóng bay trong lễ khai giảng, ông Trung cho biết, TPHCM không có chủ trương cấm việc này, song các trường cũng ý thức được việc gì nên làm, việc gì không để ngày khai giảng thật sự ý nghĩa, tiết kiệm và bảo vệ được môi trường.

NGUYỄN DŨNG