Hôm nay, gần 23 triệu HS-SV bước vào năm học mới

Khai giảng đã bớt nhiêu khê

TP - Sáng 5/9, học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới 2017-2018. Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhờ nỗ lực của ngành giáo dục, trong vài năm gần đây, việc tổ chức khai giảng trong nhà trường đã bớt nhiêu khê.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, nhờ nỗ lực của ngành giáo dục, trong vài năm gần đây, việc tổ chức khai giảng trong nhà trường đã bớt nhiêu khê. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học mới, có 2.669 trường học và các cơ sở giáo dục, trên 52.000 nhóm lớp; hơn 1,8 triệu học sinh, hơn 104.000 giáo viên các cấp. Năm học mới này, toàn ngành tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề ra. Còn tại Nam Định, ông Cao Xuân Hùng, giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, năm học mới Nam Định có trên 400.000 học sinh, 27.000 giáo viên. Các trường tổ chức khai giảng đúng lịch vào ngày hôm nay, 5/9. “Hình thức khai giảng phù hợp với đối tượng học sinh. Sở đã hướng dẫn chi tiết hình thức tổ chức cho từng cấp học, phù hợp lứa tuổi, học sinh, tạo hứng khởi trước khi bước vào năm học mới. UBND tỉnh cũng đã hướng dẫn việc thu chi đầu năm, giao sở GD&ĐT quản lý thi chi theo đúng quy định” – ông Hùng cho hay.

Là trường ngoài công lập, trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội khai giảng từ cuối tháng 8 vừa qua. Thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ năm 2015, trước chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, ngày lễ khai giảng đã gần với học sinh hơn. Ngày lễ này, không còn là ngày của người lớn mà đã bắt đầu hướng tới học sinh. Với học sinh trường Đinh Tiên Hoàng, thầy Nguyễn Tùng Lâm cho biết, lễ khai giảng kéo dài trong đúng một giờ đồng hồ. Trong đó, ngoài diễn văn chào mừng năm học mới của hiệu trưởng, các tiết mục còn lại đều là của học sinh. “Trước kia, khai giảng là cho người lớn, khai giảng để khoe thành tích của nhà trường. Còn bây giờ, khai giảng là của chính học sinh” – thầy Tùng Lâm nhấn mạnh. 

Thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ thêm, ở trường Đinh Tiên Hoàng, trước khi bước vào phần lễ, là phần truyền thống. Học sinh làm lễ dâng hương người anh hùng dân tộc mà trường vinh dự được mang tên. Sau đó là bài hịch khuyến học lịch sử bằng thơ của người anh hùng Đinh Tiên Hoàng, trường Đinh Tiên Hoàng. Các tiết mục văn nghệ tiếp nối sau đó. Trong bài diễn văn của mình, thầy Tùng Lâm cũng nhấn mạnh vào các nhiệm vụ của trường như phải thực hiện thật tốt văn hóa phát triển của trường bằng công thức dễ nhớ: Ft = Đ.T.H – X2 (Đ là đổi mới, T là tận tâm, H là học hỏi - hợp tác,  và X là những gì xấu xa cần loại trừ). 

Thầy Tùng Lâm một lần nữa nhấn mạnh khai giảng là để học sinh biết được truyền thống, lịch sử của nhà trường, về người anh hùng mà trường mang tên. Thứ hai là học sinh biết được nhiệm vụ của mình trong năm học mới. 

Lễ Khai giảng năm học 2017-2018 của trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội ngày 27/8. Ảnh: Nghiêm Huê.
Lai Châu: Lãnh đạo không phát biểu

Đó là khẳng định của ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu khi trao đổi với Tiền Phong. Ông Hán cho biết, sáng nay, ông dự lễ khai giảng tại huyện miền núi rất khó khăn của Lai Châu là Nậm Nhùn. Nhưng để dự được lễ  khai giảng, ông phải di chuyển từ chiều qua. Theo ông Hán, giáo dục là lĩnh vực nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh. Hôm nay, tất cả các lãnh đạo trong Thường vụ tỉnh ủy đều đi dự khai giảng ở các huyện và tại các trường khó khăn nhất. “Nhưng từ nhiều năm nay, tại lễ khai giảng, chúng tôi cố gắng phát huy văn hóa đặc trưng của từng dân tộc. Từ lâu chúng tôi chỉ đạo lễ khai giảng không phát biểu. Nếu có phát biểu thì chỉ có một câu là chúc mừng. Ngày lễ khai giảng là của học sinh” – ông Hán khẳng định. 
Năm học mới, Lai Châu có gần 14.000 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và  khoảng 140.000 học sinh. Bước vào năm học mới, Lai Châu đã huy động được gần 100% học sinh mầm non 5 tuổi đến trường, trẻ từ 3 đến 5 tuổi đạt 98%. 

TPHCM áp dụng nhiều điểm mới trong năm học

Hôm nay (5/9) hơn 1,6 triệu học sinh TPHCM sẽ bước vào khai giảng năm học mới, một năm học sẽ đổi mới căn bản và toàn diện từ về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy - học tập, phương pháp kiểm tra - đánh giá; coi trọng quản lý chất lượng giáo dục…

Báo cáo tại lễ tổng kết năm học 2016-2017 và đề ra phương hướng cho năm học mới 2017-2018, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD&ĐT TP cho biết, năm học mới, thành phố sẽ thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, hệ thống giáo dục thành phố sẽ đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục.

Cụ thể, chương trình giáo dục ngoài việc trang bị kiến thức cho người học sẽ chú trọng xây dựng nền tảng gia đình, ý chí phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân và ý chí khởi nghiệp trong học sinh. Chú trọng kỹ năng thực hành và kỹ năng thực hành xã hội của học sinh.

“Trước kia, khai giảng là cho người lớn, khai giảng để khoe thành tích của nhà trường. Còn bây giờ, khai giảng là của chính học sinh”.  Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội  Nguyễn Tùng Lâm.