Phục hồi ấn tượng
Tổng cục Thống kê nhận định, nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 3 đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 78,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý I, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng số 4,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam quý I năm nay, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 3,9 triệu lượt người, chiếm 83,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và tăng 60,1% so với cùng kỳ năm trước. Số còn lại, du khách di chuyển bằng đường biển, đường bộ, đều tăng so với năm trước.
Sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân quay trở lại trạng thái bình thường, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng 0,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, mức này tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp tích cực của ngành du lịch.
Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2023 tăng 13,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,1% (quý I/2023 tăng 10,1%). Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13,4% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 46,3%.
Chiếm tỷ trọng cao nhất (77,6%) trong tổng mức bán lẻ là doanh thu bán lẻ hàng hóa. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2024 ước đạt 174,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,4% tổng mức.
Doanh thu du lịch lữ hành quý I ước đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu quý I của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sau: Đà Nẵng tăng 69%; TPHCM tăng 59%; Cần Thơ tăng 57,7%; Hà Nội tăng 47,6%; Quảng Ninh tăng 18,5%; Lâm Đồng tăng 13,3%.
Doanh thu dịch vụ khác quý I ước đạt 158,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng mức và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Khách nước nào đến Việt Nam đông nhất?
Theo thống kê từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, nhiều thị trường khách ghi nhận sự tăng trưởng tốt như Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Singapore... Thị trường lớn Trung Quốc tiếp tục phục hồi tích cực, đạt hơn 350.000 lượt khách, tăng 19% so với tháng trước.
Tính chung 3 tháng đầu năm, Hàn Quốc vẫn là thị trường gửi khách lớn nhất của Việt Nam với 1,2 triệu lượt khách (chiếm 26,6%). Trung Quốc xếp ở vị trí thứ 2. Trong top 10 thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam còn có Nhật Bản, Malaysia, Úc, Thái Lan,...
Xét theo thị trường từ các châu lục, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đánh giá, nhìn chung hết quý I/2024, lượng khách quốc tế gần như phục hồi hoàn toàn. Tiếp nối đà phục hồi của những tháng cuối năm 2023, trong 3 tháng đầu năm 2024, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tích cực. Lượng khách 3 tháng qua đều đạt trung bình trên 1,5 triệu lượt và có xu hướng tăng.
Các thị trường phần lớn đã phục hồi hoàn toàn, thậm chí một số thị trường đã cao hơn mức năm 2019 - thời điểm trước dịch bệnh. Các thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương tăng trưởng mạnh. Đây là những tín hiệu lạc quan đối với ngành du lịch Việt Nam.
Tuy vậy một số doanh nghiệp lữ hành cho rằng chính sách visa ở Việt Nam có những thay đổi tích cực nhưng chưa linh hoạt bằng các nước.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietravel - nêu quan điểm để ngành du lịch đón khách nhiều hơn, phải làm rõ vấn đề quy hoạch cho từng thị trường, từng khu vực. Cần xác định mục tiêu từ nay đến 2030 đón bao nhiêu khách ở mỗi thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc…