Tiếp bài 'Ủng hộ giao quyền tuyển dụng nhà giáo cho ngành':

Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

TP - Đề nghị giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo đang nhận được sự ủng hộ của những người trong ngành và dư luận xã hội.
Buổi lên lớp của giáo viên trường trung học cơ sở. Ảnh: Nghiêm Huê

“Tha thiết đi xin”

Trong một lần phát biểu, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày ngành giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Giáo viên, tài chính. Và cả 2 điều này, Bộ GD&ĐT luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất.

Về giáo viên, ngành dọc là Bộ Nội vụ quản lí. Sau vài năm “tha thiết đi xin” (từ dùng của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn), đã xin thêm được hơn 65.000 biên chế cho ngành giáo dục từ nay đến năm 2025. Không những thế, nhiều địa phương còn không dám tuyển, để dành chỉ tiêu trừ đi các suất giảm biên chế (vì nhỡ tuyển rồi lại phải giảm biên chế thì biết trừ vào ai nên thôi - PV).

Ông Phạm Anh Thư, Trưởng phòng GD&ĐT Mèo Vạc (Hà Giang) chia sẻ, chính sách tuyển dụng được thực hiện tùy thuộc tình hình của từng địa nhưng vẫn do ngành Nội vụ quản lí. Nếu phân cấp được cho ngành giáo dục thì các trường chủ động hơn trong việc đề xuất, sắp xếp bố trí vị trí việc làm, điều hành. Mèo Vạc hiện mới có 3 giáo viên tiếng Anh tiểu học, còn thiếu rất nhiều, nhưng chưa có nguồn tuyển. Để hoàn thành việc tuyển dụng 1 giáo viên, theo ông Thư, thông tin nhanh nhất là 3 tháng.

Nói về Dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đề xuất giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, việc ban hành luật sẽ khắc phục các bất cập trong quản lí nhà nước về nhà giáo như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ (đã diễn ra nhiều năm hay những bất cập với quản lí đội ngũ nhà giáo ngoài công lập).

Chất lượng đội ngũ nhà giáo cơ bản sẽ có sự đồng bộ trong toàn bộ hệ thống khi có hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp, các yêu cầu về đạo đức nhà giáo được quy định thống nhất.

Chấm dứt tình trạng tréo ngoe

Lí giải về việc cần thiết giao cho ngành Giáo dục tuyển dụng giáo viên, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho rằng, cơ quan quản lí giáo dục tổ chức việc tuyển dụng giáo viên sẽ khắc phục được tình trạng tuyển dụng được đúng người; sẽ tuyển dụng được thường xuyên đáp ứng nhu cầu khi xảy ra tình trạng thiếu giáo viên trong quá trình tổ chức triển khai; tuyển dụng đủ, hết chỉ tiêu, biên chế (được giao cho ngành Giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện).

Trong một lần phát biểu, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trình bày ngành Giáo dục nắm tất cả mọi thứ, trừ 2 thứ: Giáo viên, tài chính. Và cả 2 điều này, Bộ GD&ĐT luôn luôn đi kiến nghị, đề xuất.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, đối với việc quản lí nhà giáo thì Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ có quyền quản lí về chuyên môn, không quản lí về số lượng, biên chế, công tác tuyển dụng, bổ nhiệm. Theo bà Hoa, việc giao thẩm quyền đầu mối quản lí biên chế nhà giáo cho Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giúp ngành chủ động trong tham mưu xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lí; từ đó nắm tổng thể đội ngũ, dự báo nhu cầu, cân đối các khâu tuyển sinh, đào tạo, tuyển dụng; điều tiết giáo viên kịp thời, hợp lý. Như vậy, có thể khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ đã và đang diễn ra trong thực tiễn thời gian qua; đồng thời góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng và đồng bộ về cơ cấu. “Tôi cho rằng, nếu được Quốc hội chấp thuận, ủng hộ thì đây sẽ là một trong những chính sách mang tính đột phá của Dự thảo Luật Nhà giáo đang trình Quốc hội tại kì họp này”, bà Hoa chia sẻ.

PGS TS Đặng Thị Thanh Huyền, Ban Điều hành Mạng lưới Quản lí Giáo dục EdulightenUp, Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Khoa học Quản lí giáo dục (Học viện Quản lí giáo dục), khẳng định đây là đề xuất thiết thực, phù hợp thực tế. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT từng nhiều lần phát biểu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và nhân dân về chất lượng giáo dục nhưng việc tuyển, sử dụng, điều chuyển giáo viên thuộc về ngành Nội vụ, dẫn đến thừa - thiếu cục bộ do ngành giáo dục có đặc thù phải bố trí không chỉ theo trình độ đào tạo mà phải theo môn, cấp học và định mức giáo/lớp.

“Nếu đề xuất này được thông qua, ngành giáo dục có thể thêm một phần vất vả, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là đem lại lợi ích cho người học, phụ huynh và nhân dân. Tất cả vì sự phát triển chung của xã hội trong bối cảnh mới”, bà Huyền nói.