Khắc phục những bất cập trong chính sách cho nhà giáo

TP - Ngày 26/11, Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức hội thảo tham vấn về khung chính sách và pháp lí cho nhà giáo. Các chuyên gia có được cái nhìn tổng quan về vai trò của nhà giáo ngày nay.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là một chủ trương xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục ở Việt Nam. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo gồm 249 văn bản, điều chỉnh hầu hết các vấn đề liên quan đến nhà giáo. Đây là hệ thống văn bản do nhiều chủ thể ban hành, ở nhiều thời điểm khác nhau, dưới nhiều góc độ khác nhau nên không tránh khỏi tình trạng chồng chéo, trùng lắp, khó khăn trong quá trình thực hiện, dẫn đến kém hiệu quả.

Các đại biểu tham dự Hội thảo tham vấn về khung chính sách và pháp lí cho nhà giáo. Ảnh: TRẦN HIỆP

Vì vậy, cho đến nay, mặc dù đội ngũ nhà giáo Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với trước, nhưng trước yêu cầu ngày càng cao và phức tạp của công cuộc đổi mới giáo dục, đội ngũ này vẫn đang trong tình trạng thiếu về số lượng, bất hợp lí về cơ cấu, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Ông Tiến đánh giá việc xây dựng chính sách, pháp luật nhà giáo còn chắp vá, thiếu sự tiếp cận toàn diện và tổng thể. Cơ chế phối hợp giữa các bộ liên quan còn lỏng lẻo, kém hiệu quả trong tuyển dụng, sử dụng, phân công nhà giáo. Có khoảng cách đáng kể giữa thiết kế chính sách và thực thi chính sách. Quản lí giáo dục ở Việt Nam vẫn còn nhiều yếu kém. Sự hình thành và phát triển của thị trường giáo dục tại Việt Nam đặt ra nhiều thách thức mới.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến khuyến nghị cần xây dựng chính sách nhà giáo theo tiếp cận toàn diện và tổng thể, phù hợp với các quan điểm chỉ đạo trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; phát triển các chương trình đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo theo định hướng chuyển đổi, đi trước một bước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi việc dạy và học trong các cơ sở giáo dục; đảm bảo chế độ tiền lương, đãi ngộ và khen thưởng nhà giáo tương xứng với vị thế, vai trò, trách nhiệm và hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo; nhận diện và khắc phục những tồn tại, rào cản hiện nay trong tuyển dụng, sử dụng và giữ chân nhà giáo…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, Đề án Luật Nhà giáo với phương châm nhất quán nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, chuyển từ quản lí hành chính sang quản lí chất lượng để thu hút, giữ chân được những người tài vào nghề sư phạm, yên tâm cống hiến.

Bộ GD&ĐT có 6 tháng nữa tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước với những nguyên tắc, tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên thảo luận tổ: khi Luật Nhà giáo được ban hành phải làm sao đội ngũ nhà giáo phải vui mừng, phấn khởi, chờ đợi; không phải hệ thống hóa các quy định mà nhà giáo phải thấy yêu nghề hơn; khi đủ điều kiện cống hiến và lan tỏa, tạo nên chất lượng giáo dục và thụ hưởng chính là các thế hệ học sinh.

Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã trình Quốc hội với 127 lượt ý kiến tại các tổ và có 37 ý kiến tại nghị trường vào ngày 20/11. Trong đó, 37 ý kiến tại nghị trường thảo luận đều đồng tình rất cao về sự cần thiết của việc ban hành Luật Nhà giáo và các chính sách. Vấn đề đặt ra là làm sao gia tăng các chính sách thu hút được đội ngũ nhà giáo đồng thời làm rõ trách nhiệm của nhà giáo, đạo đức của nhà giáo.