Kết hợp chặt chẽ giáo dục với xử lý vi phạm

TP - Hôm qua (27-9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và dự án Luật giám định tư pháp.

> Không bình ổn tràn lan
> Cần có Hội đồng Quốc gia tài nguyên nước

Với 5 chương, 41 điều, phần lớn nội dung dự luật PBGDPL tập trung qui định các hình thức PBGDPL chung cho các đối tượng. Ngoài ra, có chương riêng qui định 8 loại đối tượng đặc thù cần phổ biến pháp luật, đứng đầu là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, nông dân, phụ nữ… Cuối cùng là phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.

Các ủy viên UBTVQH cho rằng chia ra 8 nhóm đối tượng đặc thù áp dụng nội dung, hình thức phổ biến pháp luật là chưa khoa học, đầy đủ. Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng phổ biến và giáo dục phải lồng ghép, đan xen để đạt được hiệu quả cao nhất.

Theo bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đối tượng đặc thù phải là những đối tượng yếu nhất kém nhất trong việc tuân thủ pháp luật, những đối tượng bị xâm hại nhiều nhất. Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đề nghị bổ sung 2 đối tượng nữa là người có tín ngưỡng, tôn giáo và người nước ngoài ở Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị xác định rõ chủ thể của Luật để đưa ra những qui định phù hợp. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, cần tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức xã hội, cá nhân tham gia PBGDPL.

“Ở đâu cũng có cán bộ, đảng viên, nếu họ là tấm gương thực thi pháp luật thì tình hình không đến mức độ như hiện nay” – Ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm UB QP-AN đề cập.

Theo ông, phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật chứ không phải là lấy cán bộ, công chức là đối tượng để PBGDPL. Phải kết hợp chặt chẽ giáo dục với xử lý vi phạm, đặc biệt với những đối tượng là cán bộ, đảng viên. Cần có giải pháp để thực hiện được chủ trương này một cách tốt hơn.

Về dự án Luật giám định tư pháp (GĐTP), vấn đề cho phép các giám định viên tư pháp có thể thành lập Văn phòng GĐTP ngoài công lập được các đại biểu quan tâm thảo luận. Để phát huy tối đa nguồn lực xã hội, phạm vi xã hội hóa trong GĐTP cần được mở rộng hơn, không nên hạn chế ở những lĩnh vực có nhu cầu giám định không lớn.

Thậm chí, có thể tiến tới thực hiện GĐTP theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, yêu cầu của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc thành lập tổ chức GĐTP ngoài công lập là loại hình dịch vụ mới, cần có lộ trình phù hợp. Thực tiễn mô hình các tổ chức cơ quan giám định pháp y công lập cũng đang trong quá trình hoàn thiện, hình thức hoạt động và quản lý nhà nước về GĐTP đang tồn tại nhiều bất cập. Do đó, trước mắt Luật GĐTP chỉ nên quy định xã hội hóa những nội dung về GĐTP.

Trước những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa Bộ Công an và Bộ Tư pháp (cơ quan soạn thảo), UBTVQH quyết định trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Theo Báo giấy