Quanta Computer, một nhà sản xuất máy tính bảng của Đài Loan, cho biết các khách hàng của họ đã bắt đầu tìm hiểu việc đa dạng hóa các chuỗi cung cấp từ 5-10 năm trước khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Xu hướng đó sẽ không thay đổi chỉ sau một đêm chỉ vì Mỹ có tổng thống mới, lãnh đạo công ty cho biết. Đại dịch COVID-19 càng đẩy nhanh xu hướng đó, theo lãnh đạo 2 công ty công ty may mặc Makalot và Eclat.
Chủ các doanh nghiệp này nói với CNA rằng họ sẽ tránh mở xưởng mới chỉ vì một khách hàng hoặc chỉ ở một khu vực để không đặt hết trứng vào một giỏ.
Eclat cho biết thương mại điện tử trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ hậu COVID-19, nghĩa là các chuỗi cung ứng cũng phải phản ứng đủ nhanh với thay đổi của thị trường.
Hãng thiết bị bán dẫn Đài Loan TSMC, một trong những nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, cho biết họ kế hoạch xây một nhà máy ở Mỹ của họ sẽ tiếp tục được xúc tiến.
TSMC nói rằng kế hoạch này không phải vì động cơ chính trị, mà một trong những điều kiện tiên quyết của dự án là hỗ trợ của chính phủ Mỹ.
Chen Bao-lang, chủ tịch tập đoàn hóa dầu Formosa, cho biết kế hoạch đầu tư vào bang Louisiana của Mỹ sẽ tiếp tục dù môi trường chính trị thay đổi.
Trong bài viết đăng báo gần đây, ông Stewart Baker, cựu trợ lý bộ trưởng của Bộ An ninh nội địa Mỹ, mối đe dọa của việc Mỹ quá phụ thuộc vào Trung Quốc về thương mại tăng lên trong hơn 3 thập kỷ qua. Các chính quyền Mỹ trước thời Tổng thống Donald Trump bám vào hy vọng rằng việc mở cửa thị trường Mỹ cho hàng hóa Trung Quốc sẽ mang lại nguồn nguyên vật liệu giá rẻ hơn cho các ngành công nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, đến năm 2016, mục đích của Trung Quốc trở nên rõ ràng: tạo ra sự thay thế ở trong nước đối với mọi công nghệ mua từ Mỹ, sau đó giúp các hãng công nghệ Trung Quốc “bóp chết” các đối thủ cạnh tranh phương Tây. Phát triển mạnh mẽ và an toàn trong môi trường cạnh tranh trong nước, các công ty Trung Quốc bắt đầu tấn công ra thị trường bên ngoài.
Học thuyết “hợp nhất dân sự - quân sự” bảo đảm rằng quân đội Trung Quốc hưởng lợi từ những phát triển công nghệ thương mại của nước này.
Không có gì giúp Mỹ hiểu về kế hoạch kinh tế của Trung Quốc lớn hơn khủng hoảng virus corona. Một bài viết đăng báo chính thống Trung Quốc từng nói công khai rằng Trung Quốc có lợi thế khi số người Mỹ chết vì COVID-19 tăng lên.
“Nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu khẩu trang sang Mỹ, Mỹ sẽ rơi vào tình trạng thiếu khẩu trang. Và nếu Trung Quốc cấm xuất khẩu dược phẩm, Mỹ sẽ rơi xuống địa ngục với đại dịch virus corona mới”, bài báo nói.
Đó là lúc nhiều người Mỹ nhận ra rằng việc dựa quá nhiều vào hàng từ Trung Quốc không đơn giản như họ nghĩ. Khi có khủng hoảng, nhập khẩu là việc quan trọng nhất, Mỹ có thể trở thành con tin của Trung Quốc với chính sách ưu tiên an ninh quốc gia, ông Baker viết.
Chính vì thế, ông Baker cho rằng ông Joe Biden có thể sẽ tiếp tục chính sách chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Ông Biden đã đánh tín hiệu rằng ông muốn dùng quyền như thời Chiến tranh Lạnh để vượt qua những thách thức về chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, để phòng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy ra, có thể trong ngành đất hiếm hoặc linh kiện máy tính, Washington sẽ không rơi vào tình thế bị động.