Joe Dolce là một trong những nghệ sĩ Úc nổi danh nhất. Bản Shaddap Your Face (1980) của ông đứng đầu bảng xếp hạng tại 15 nước, bán ra 6 triệu bản toàn cầu. “Shaddap” là phát âm giọng Anh-Ý của “Shut up!” (Ngậm miệng!), thứ mà bọn trẻ không được phép nói với người lớn. Vì vậy bài hát chính là cách để chúng tha hồ nói từ này khỏi sợ bị bợp tai(!) “Bà ngoại người Ý của tôi nói thế suốt hồi tôi còn bé. Lâu lắm tôi không về nhà và bài hát gợi nhớ về thời kỳ vui vẻ đó”, ông nói.
Chúng ta đều là thuyền nhân
“Ngày nào báo cũng đăng tin về những thuyền nhân cập cảng Darwin”, Joe nhớ lại. “Mọi người sợ rằng quá nhiều người di tản sẽ ảnh hưởng xấu tới kinh tế Úc cùng những phản ứng mang tính phân biệt chủng tộc. Tôi thấy thật bất công, và tức giận. Nhưng không có tiền bạc hay quyền hành, viết bài hát là tất cả những gì tôi có thể”. Tuy nhiên, Boat People vấp phải sự “im lặng đáng sợ” lúc ra đời. Vì nước Úc hẳn còn đang bối rối tìm cách giải quyết vấn đề người di tản. “Chỉ có một bài báo nói về bài hát. Mọi cách cửa khác đóng sập. Tôi quyết định tặng 500 bản đĩa đơn cho cộng đồng người Việt ở Melbourne”, Joe kể.
Mọi thứ bắt đầu từ một sáng nắng đẹp tháng 4/1979, Joe bỗng thấy nhà hàng có cái tên lạ Vào Đời ngay gần nhà mình ở khu Richmond. Đó là quán cà phê của người Việt đầu tiên tại Melbourne, và phở là món ăn duy nhất trong thực đơn. “Vốn mê nấu ăn, tôi tò mò bước vào thử, và lập tức phải lòng nó”, Joe nói. Vào Đời chỉ có 10 bàn nhỏ, bán phở 2 đô/bát. Sau này trong bài thơ Conjuring Pho (Ảo thuật phở), ông kết luận: “Hanoi street alchemy/ priceless at two dollars”. Tôi tạm dịch: “Thuật giả kim đường phố Hà Nội/ Vô giá chỉ với hai đô-la”.
Chủ quán Vào Đời là một thầy dòng từ miền Nam Việt Nam, nhưng quản lý và nấu nướng do gia đình bác sĩ Hùng đảm nhiệm. “Tôi thường tới quán ăn trưa”, Joe nhớ lại. “Đánh bạn với đầu bếp Hùng và nhiều người Việt khác từ nơi này”. Tại đây ông được nghe họ chia sẻ những nỗi đắng cay phải trải qua để đến Úc. Từ đó, Boat People được viết.
Ngày 26/4/1976, chuyến tàu đầy ắp người di tản từ Việt Nam cập cảng Darwin mở đầu cho hàng loạt cuộc đổ bộ trong vài năm sau đó. Tuy nhiên phần lớn người di tản Việt Nam đến Úc bằng các chuyến bay thu thập người từ các trại tị nạn ở khắp Ðông Nam Á. Ước tính 800 ngàn người đã rời Việt Nam bằng thuyền tới các nước khác từ 1975 đến 1995, trong đó khoảng 90 ngàn cập bến Úc châu. Số lượng người Việt ở Úc hiện chỉ đứng sau cộng đồng tại Mỹ và Pháp.
Gia đình bác sĩ Hùng hay mời Joe tới ăn tối cùng những người bạn Việt. Ông đến, mang theo nguyên liệu để làm pizza, hướng dẫn luôn cho chủ nhà. “Ăn uống xong xuôi, tất cả quây quần lại, tôi hát Boat People, còn họ hát dân ca Việt Nam, hầu hết nói về nỗi nhớ quê hương”, Joe hồi tưởng. Ông cũng hát Boat People trong dịp Tết của người Việt, có sự hiện diện của chính khách Úc. Lời tiếng Việt của bài hát được mọi người truyền tay nhau. “Đó hẳn phải là một bản dịch tốt vì mỗi khi tôi hát xong, ngay cả những ông già người Việt dạn dày sương gió cũng rơi lệ”, Joe kể.
Boat People như vậy đã được trọn vẹn dành tặng cho những người Việt thuở lạ nước lạ cái đặt chân tới Úc. Dù lời ca bao quát hơn thế: “Những thuyền nhân đến từ những xứ sở xa xưa/ Băng qua trùng dương đầy hiểm nguy/ Những người du cư trong suốt dòng lịch sử/ Người hành hương, kẻ nô lệ, dân tị nạn/ Chúng ta là thuyền nhân…”. Hai mươi năm rồi, Joe chưa gặp lại ông Hùng cùng những người bạn Việt thuở ấy: “Quán cà phê biến mất từ lâu. Cộng đồng người Việt đã thịnh đạt lên nhiều. Tất cả bạn bè của tôi hiện nay đều ở Hà Nội. Từ phở tôi chuyển sang thích bún chả!”.
Melbourne 1980, tại lễ trao giải Silver Chart của đài 3XY, khi Shaddap Your Face được xướng danh Bài hát có nhiều lượt phát sóng nhất, Joe tuyên bố không nhận giải để phản đối hành xử của chính phủ Úc đối với các nhóm ít người (bao gồm dân nhập cư Ý vào những năm 1950). Sau đó ông rời sân khấu, mặc cho mọi người ngơ ngác. Nhưng 5 phút sau quay lại, hóa ra Joe đùa, và muốn nhại lại những gì từng xảy ra tại giải Grammy. Dù sao, Joe cũng có một mối đồng cảm đặc biệt với những cộng đồng yếm thế. Đơn giản bởi ông thuộc về một cộng đồng như thế. “Vào những năm 1950 ở Ohio, nơi tôi lớn lên, người Ý luôn bị đem ra làm trò cười. Bị gọi bằng các thứ biệt hiệu. Tôi vẫn nhớ cảm giác đó”.
Chiếc tàu cá mang tên Hồng Hải này từng chở 38 người Việt tới Úc năm 1978. Ảnh: Jenni Carter/ Australian National Maritime Museum
Việt Nam sẽ làm được…
Joe đã 3 lần đến Hà Nội, Lin còn nhiều hơn. Ngoài sức hấp dẫn về ẩm thực, Việt Nam với họ không hẳn địa chỉ du lịch, mà còn là những buổi tụ tập tại nhà bạn bè thân thiết. “Đằng nào thì tôi cũng chủ yếu làm việc từ xa, mà đi chơi với Lin lúc nào chả vui”, Joe nói. Ông đã viết hơn chục bài thơ về Việt Nam, từng tổ chức triển lãm ảnh Phố Hà Nội tại Melbourne hai năm trước. Và đang tính ra một tập thơ kèm ảnh và có thể cả các công thức món ăn Việt Nam.
Lần đầu đến Việt Nam, ông ấn tượng: “Chợ Cán Cấu và Bắc Hà. Giống như du hành ngược thời gian. Bảo tàng Quân sự ở Hà Nội. Đến để thấy chiến tranh Việt Nam từ góc độ người Việt. Giúp tôi hiểu suy nghĩ của bản thân và người Mỹ trong suốt những ngày tháng ấy. Nhiều bạn bè tôi đã tham chiến, tôi thì không- tôi phản đối. Những năm 1960- cả một thời kỳ hoang mang của nước Mỹ. Chính phủ không trung thực về lý do cuộc chiến (họ vẫn thế- như với chiến tranh Iraq). Người Việt có lý do chính đáng để chiến đấu. Người Mỹ thì không”.
Còn khi được đề nghị góp ý cho du lịch Việt Nam: “Tôi muốn thấy một cuộc tổng vệ sinh các thứ rác rến ở thành phố và cả nông thôn. Việt Nam đẹp nhưng nhiều rác quá. Chính phủ nên bỏ nhiều tiền hơn để dọn dẹp cũng như khắc phục ô nhiễm không khí. Người Việt là thiên tài trong việc giải quyết những vấn đề nan giải thậm chí bất khả. Họ đã làm được trong chiến tranh và có khả năng làm được trong hòa bình”.
Điều gì quan trọng hơn cả với ông lúc này?
Joe Dolce: “Sáng tạo nhiều hơn những tác phẩm đẹp và có ý nghĩa. Tiếp tục kiếm sống từ nghệ thuật đồng thời hưởng thụ tự do nhiều nhất có thể. Tiếp tục phát triển kỹ năng nấu nướng. Ðể làm cho việc ở nhà cũng thích thú như khi ra ngoài, để ân hưởng tình yêu lâu bền với Lin và các con. Ðể lưu lại thứ gì đó giá trị và tạo cảm hứng cho người khác khi tôi còn ở đây và khi tôi ra đi”.