Huyền thoại Bạch Đằng giang - Bài cuối: Dọc miền ký ức

TP - Hơn 7 thế kỷ giấu mình trong mịt mùng lòng đất, những bãi cọc của cuộc thủy chiến năm xưa như chứng nhân của lịch sử, kể ta nghe về chiến tích của cha ông, kể ta nghe về câu chuyện của Làng Rừng, về những tiền nhân của vùng đất đầu sóng ngọn gió sáng mãi bản thiên hùng ca.
Cây quếch cổ thụ gần nghìn năm tuổi vẫn toả bóng mát cho đến ngày nay.

Bí ẩn Làng Rừng

Cách TP Hạ Long (Quảng Ninh) chừng 40km, xã đảo Hà Nam sừng sững án ngự giữa ngã ba sông Chanh, nơi còn in dấu 3 cuộc thuỷ chiến của quân dân nhà Trần cách đây gần 10 thế kỷ. Những bãi cọc Bạch Đằng vẫn còn đó, những huyền thoại về dòng sông vẫn được lưu truyền như lời nhắc nhở về một quá khứ hào hùng của người dân đất đảo Hà Nam.

Sông Chanh (sông Bạch Đằng xưa) chia cách hai huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh) vẫn còn lưu giữ những ký ức lịch sử. Đi từ bến phà Rừng xuôi theo con nước xuống hạ lưu sông là vô vàn những câu chuyện như huyền sử, chính sử của người dân ven hai bên bờ. Chuyện kể về một thời hoàng kim, thời cha ông đánh giặc trên chính mảnh đất quê hương.

Về xã đảo Hà Nam chỉ cần hỏi đường về bãi cọc Bạch Đằng, ngay đến đứa trẻ lên 5 cũng chỉ đúng đường. Sau mấy khúc cua trên con đường bê tông chạy tít tắp trong làng, ông Nguyễn Văn Bình (76 tuổi) dẫn chúng tôi ra bãi cọc Yên Giang rồi Đồng Vạn Muối và Đồng Má Ngựa. Những địa danh khảo cổ về chiến thuật quân sự của quân dân nhà Trần cách đây gần 1.000 năm.

Theo các bô lão trong vùng, làng đảo Hà Nam xưa là một gò đất trống giữa sông Bạch Đằng, được các cụ Tiên công quai đê, đắp đập lấn biển mà thành. Đến thời nhà Trần, nhiều cuộc chiến đã diễn ra ngay chính tại cửa sông này và cho đến ngày nay, dòng sông đã bồi lấp đi những dấu tích của các vị tiền nhân. Những bãi cọc được phát lộ chỉ là số ít những bãi cọc đã làm nên chiến thắng lẫy lừng của tiền nhân.

“Ngày nay, tiếng tăm lừng lẫy của Bạch Đằng giang dường như đã làm người ta sao nhãng về một địa danh, địa danh vốn gắn liền với dòng sông huyền thoại này như hình với bóng, đó là Làng Rừng” - Cụ Nguyễn Văn Bình, phường Yên Giang chia sẻ.

Thời Trần, Làng Rừng còn có tên gọi khác là trại An Hưng. Thuở ấy, Làng Rừng còn nhỏ bé nằm dưới chân núi Tiên Sơn. Đến thời Lê do phải tránh húy của Vua Lê Anh Tông nên trại An Hưng đổi thành xã Yên Hưng trùng tên gọi với huyện Yên Hưng thời đó. Mãi tới năm 1959 xã Yên Hưng mới đổi thành xã Yên Giang, và bây giờ là phường Yên Giang thuộc thị xã Quảng Yên.

Theo lời kể của các vị cao tuổi trong vùng, Làng Rừng xưa kia có rất nhiều cây cổ thụ như lim, táu, sến, quếch… chim muông hót véo von suốt ngày. Gọi là làng nhưng thực chất không khác gì bản trong rừng. Trải qua 3 cuộc thủy chiến, cây cổ thụ được dân làng đốn hạ gần hết để làm cọc cắm sâu xuống lòng sông chắn quân thù. Nhờ những cây này mà làm nên chiến thắng, nhưng cũng từ đó Làng Rừng cũng không còn cây.

“Huyền thoại nhưng không phải không có sự thật, bởi vì trong làng vẫn còn đó những địa danh như phà Rừng, chợ Rừng, giếng Rừng… và đặc biệt là vẫn còn 2 cây lim cổ thụ nghìn năm tuổi nằm ở trung tâm xã” - Cụ Lê Khoái, hội người cao tuổi phường Yên Giang khẳng định.

Đầu năm 1288, khi Trần Hưng Đạo đưa quân đi qua vùng đất này để tìm thế trận cho cuộc thuỷ chiến, ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy người dân ở đây hoàn toàn khác biệt so với những nơi khác. Một người dân có thể thông thạo việc chài lưới và cũng tinh tường việc nhà nông, chưa kể đến họ còn sinh sống trên một vùng đất đắc địa, nơi 5 con sông đổ về ôm trọn lấy Làng Rừng.

Khi phát động cuộc chiến, người dân Làng Rừng từ những nông phu chân đất đứng lên thành những chiến binh quả cảm. Từ việc đóng thuyền buồm đi ngược gió để đánh úp quân thù đến việc đóng cọc cắm sâu xuống lòng sông chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 1 tháng. Những ngư dân sông nước quanh vùng cũng đến xin gia nhập đội quân, và họ cũng chính là những người tiên phong ra trận nhử địch vào chiến địa.

Khi giặc tan, buổi yên bình họ lại trở về là những nông dân lành hiền cày cuốc, quăng lưới tung chài bám biển vươn khơi. Đất đai Làng Rừng chở che, lưu giữ những bãi cọc Bạch Đằng, những dấu tích một thời đánh giặc, và cứ thế bền bỉ, âm thầm gửi lại đến muôn sau.

Bãi cọc Bạch Đằng tại phường Yên Giang, TX. Quảng Yên, Quảng Ninh.

Huyền thoại Bạch Đằng giang

Dòng chảy thời gian gần 1.000 năm đã che phủ nhiều bí ẩn quanh trận thủy chiến, nhưng những huyền thoại về những con người, những địa danh vẫn còn lưu giữ đến tận ngày nay. Vùng đất địa linh nhân kiệt này đã sản sinh ra những con người gắn liền với những chiến công hiển hách, trong số đó phải kể đến Vua Bà, người phụ nữ bán nước ven sông.

Chỉ tay về phía bến phà Rừng, ông Bình trầm ngâm bảo - “Bến sông này là nơi ghi dấu rõ nét nhất chiến thắng Bạch Đằng 1288. Sự tích này kể về một người phụ nữ bán nước ven sông đã hiến kế cho Trần Hưng Đạo đánh tan quân thù đấy”. Điều khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ khi đến vùng chiến địa này, từ chú lái xe ôm đến cô hàng nước hay bác nông dân, mỗi người đều như những “pho sử sống” qua những ký ức cha ông truyền đời kể lại.

Người dân ở Quảng Yên hiện vẫn còn truyền khẩu câu ca dao “Tháng Tám trâu bò ra/Tháng Ba trâu bò về” liên quan đến lịch con nước triều ở vùng cửa sông Bạch Đằng. Theo các cụ cao niên, câu ca dao có nghĩa là vào tháng Tám âm lịch khi nào trâu bò ra đồng làm ruộng là lúc con triều dâng; còn tháng Ba âm lịch khi nào trâu bò từ đồng về chuồng là lúc nước rút.

Câu ca dao này được gắn với truyền thuyết về miếu Vua Bà và cây quếch tương truyền mấy trăm năm tuổi. Bên bến đò Rừng cổ có một cây quếch cổ thụ. Dưới cây này là một quán nước. Bà chủ quán nước nắm chắc lịch triều, địa thế lòng sông, lúc nào nước lên, lúc nào nước xuống, chỗ nào có ghềnh đá, đoạn sông nào nước sâu.

Chính bà hàng nước đã đọc câu ca dao trên và giải thích kỹ lưỡng Hưng Đạo Vương về lịch con nước. Không những thế, bà còn hiến kế “trại An Hưng có nhiều cỏ cây dễ cháy, hãy làm bè mảng mà thiêu đốt thuyền giặc”. Nhờ đó, Trần Hưng Đạo đã bày binh bố trận hợp lý, cắm cọc nơi hiểm yếu kết hợp với dải đá ngầm Ghềnh Cốc và Ghềnh sông Chanh, bịt đường thoát ra biển Đông của thuyền binh quân giặc.

Miếu Vua Bà thờ bà bán nước bày kế đánh giặc cho Trần Hưng Đạo.

Sau chiến thắng, Trần Hưng Đạo quay lại bến đò Rừng cố tìm bà hàng nước để tạ ơn, nhưng không thấy bà đâu mà chỉ thấy một đống mối rất to đùn lên nơi bà ngồi hằng ngày. Cảm kích trước công ơn, Trần Hưng Đạo đã xin vua Trần sắc phong bà là Vua Bà rồi sai quân sỹ lập miếu thờ. Miếu ấy, (cây quếch ấy nay vẫn còn) được người dân gọi là miếu Vua Bà.

“Trong gia phả 18 đời của Thành hoàng làng có đoạn ghi lại cảnh tượng Trần Hưng Đạo cưỡi con ngựa hồng to lớn chỉ huy quân sỹ tiêu diệt quân Nguyên Mông. Trong lúc say đánh giặc, Ngài bị xổ tóc nên đã dừng lại, chống kiếm để búi lại tóc. Sau này, dân làng lập đình thờ Ngài làm Thành hoàng” - Cụ Lê Hữu Bá, một vị cao niên trong làng kể lại.

Ông Lê Đồng Sơn, nguyên Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Quảng Yên là người dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng cho rằng, “Miếu Vua Bà và truyền thuyết Vua Bà vừa phản ánh tục thờ mẫu của cư dân sông nước vừa ánh xạ về những đóng góp của nhân dân trong chiến thắng ngày 8 tháng Ba năm Mậu Tý (1288)”. Ông đồ rằng, chính người dân sông nước đã “mách bảo” Trần Hưng Đạo những nơi hiểm yếu để cắm cọc, lịch nước triều lên xuống để đưa giặc vào trận thế đã giăng sẵn.

Ngày nay, người dân Quảng Yên còn lưu truyền câu: “Sông Bạch Đằng là nơi cửa ải/ Tổng Hà Nam là bãi chiến trường”. Sự gắn kết giữa truyền thuyết Trần Hưng Đạo búi lại tóc với câu ca dao trên phần nào phản chiếu sự ác liệt của trận đánh trong tâm thức nhân dân vùng cửa sông này.

Tất cả đã dần trôi về phía xa xăm. Bạch Đằng hôm nay êm ả khúc hát ru bình yên của Mẹ thiên nhiên. Thời gian như những con sóng Bạch Đằng lớp lớp chồng lên nhau tung bọt trắng và Làng Rừng xưa nay là phố phường sầm uất. Chỉ những địa danh gắn với lịch sử oai hùng của cha ông còn mãi...

Hầu hết cọc được đóng xuống lòng sông Bạch Đằng đều là gỗ lim. Một số ít là gỗ táu còn nguyên cả vỏ. Các nhà khảo cổ đo chiều dài của các chiếc cọc từ 1,75m - 2,8m, với đường kính 31cm. Tất cả, đều được đẽo nhọn một đầu, để cắm sâu xuống đất 0,5 - 1m, với thế hơi nghiêng 45 độ về hướng sông Bạch Đằng.