> Tôn tạo Linh Tinh Môn – Văn Miếu Huế
Trung tuần tháng 6, Đại sứ quán Ba Lan và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế khánh thành nhà bia Thị Học ở Quốc Tử Giám. Dự án không lớn, nhưng có ý nghĩa quan trọng về mặt bảo tồn một chứng tích liên quan đến chính sách khuyến học và tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Công trình này còn là biểu tượng cho chương trình hợp tác bảo tồn di sản Ba Lan- Việt Nam trong giai đoạn mới.
Công trình tiếp theo là trùng tu, tôn tạo Linh Tinh Môn ở Văn Miếu Huế. Công tác tôn tạo di sản văn hóa Huế đang từng bước trả lại sự tuyệt vời của quá khứ mà Ba Lan đã và đang tham gia vào sự nghiệp đó.
Ba Lan là nước có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, được cả thế giới biết đến. KTS Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế đánh giá cao công nghệ bảo tồn, phục hồi di sản văn hóa của Ba Lan; chương trình hợp tác bảo tồn di sản văn hóa giữa Ba Lan và Huế- từ khi UNESCO phát động chiến dịch bảo vệ khu di tích Huế năm 1983.
Cụ thể là các dự án bảo tồn Thế Miếu (1996-1997), khảo sát và lập dự án tôn tạo Nhà Tả Vu (1997) với dấu ấn không phai mờ của nhà bảo tồn- KTS Kazimierz Kwiatkowski (Kazic). Kazic có công rất lớn trong việc phát hiện, quy hoạch, bảo tồn, đưa Hội An ra thế giới. Sau nhiều năm lăn lộn như “người rừng” nhằm cứu vãn thánh địa Mỹ Sơn, Kazic ra Huế làm việc. Ông trút hơi thở cuối cùng tại Huế sau một cơn bạo bệnh.
Hồi trung tuần tháng 9, trên công trường trùng tu di tích Thái Bình Lâu, chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Matek Baransk, chuyên gia bảo tồn di sản văn hoá của Ba Lan, về công cuộc tái thiết cổ thành Warszawa sau thế chiến thứ hai.
Ông khẳng định: Công cuộc bảo tồn di sản đã khơi dậy ý chí của dân tộc. Khi bắt tay vào việc, nhiều người bảo làm gì có đủ kinh phí. Nhưng chúng tôi đã làm được. Đó là nỗ lực của cả cộng đồng. Khi nhận thức ra điều đó người ta hiểu Ba Lan vẫn còn di sản. Di sản văn hoá là biểu tượng của sự trường tồn đất nước phải được kế thừa, phát huy. Không thể sống nếu thiếu những giá trị văn hoá. Ý chí, lòng dân giúp ta vượt qua khả năng chuyên môn.
Tôi hỏi, trong bảo tồn di sản, khó khăn nhất là gì? TS Matek Baransk bảo, rất khó có câu trả lời trọn vẹn. Bảo tồn di sản quan trọng nhất là nhận thức xã hội. Người ta cần bảo vệ di tích để làm gì? Không ý thức được điều này, xã hội bị xuống cấp, tự tiêu huỷ. Khi xã hội cần di sản, coi trọng di sản thì xã hội ấy tốt đẹp hơn. Cuộc sống của chúng ta thật vô vị nếu không có di sản.
Khi tôi tỏ ý băn khoăn về tiến độ các công trình trùng tu di tích thường rất chậm, Matek Baransk bày tỏ: Bảo tồn di sản có quá nhiều việc phải làm, và phải qua nhiều công đoạn. Ai cũng muốn tiến độ nhanh nhưng phải chuẩn bị đủ điều kiện. Chúng tôi qua đây không phải để làm thay cho các bạn, chỉ giúp lựa chọn giải pháp. Vừa làm vừa chuyển giao công nghệ, kỹ thuật qua các lớp tập huấn.
TS Baransk đánh giá chuyên môn của Việt Nam trong bảo tồn di sản văn hoá: Kỹ thuật, công nghệ bảo tồn đang có những bước tiến tích cực. Quan trọng là tái hiện di sản như thế nào? Phải sử dụng nguyên liệu truyền thống để giữ được nguyên mẫu, không làm trẻ hoá, hiện đại hoá di tích. Việt Nam cần tích cực đào tạo những thế hệ kế tục sự nghiệp bảo tồn di sản. Chính họ sẽ trả lời câu hỏi các dự án bảo tồn nhanh hay chậm.