> Phép thuật kì bí của tộc người trên đỉnh Trường Sơn
> Tộc người 'mang thiên mệnh chiến binh'
> Huyền bí 'Chiêng ché' của người Cơ tu
> Rừng ma và phố thị giữa đại ngàn
> Huyền thoại mùa săn máu
“Dọ-tơm-amí” và “Joă ană” (chôn con theo mẹ và đạp cho chết) là 2 hủ tục hoang dã gây nên nhiều cái chết oan khốc cho trẻ sơ sinh. Những người giàu lòng trắc ẩn đã đứng lên chống lại hủ tục mông muội này.
Theo men rượu cần
Một trong những thành tố không thể thiếu trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, vốn quý đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, chính là rượu cần!
Rượu cần giờ có mặt khắp từ Bắc vào Nam. Nhưng chỉ riêng ở Tây Nguyên, bí quyết chế men, ủ rượu cần mới là đặc quyền riêng giao cho phụ nữ. Và các nữ chủ Tây Nguyên không chỉ cất rượu theo lối thông thường, mà còn kèm theo nghi lễ thần bí. Vừa vò men, đồ xôi, nữ chủ vừa lẩm nhẩm hát những bài phù chú gọi men thức dậy, rồi bưng nia xoay vòng, xui men giục người uống say quay cuồng đến “nôn tại ghè, cởi cả khố, tuột cả váy, để được lạc vào nhà người ta/ ăn nằm với vợ người ta ”…
Hút cạn hết cần này tới cần khác trong giai điệu chiêng cồng giục giã, trong mùi da thịt hòa quyện “tay nắm tay, chân quấn chân” của vòng xoang dần thít chặt, men rừng dịu ngọt càng ngấm, càng kích thích bản năng trỗi dậy quanh ngọn lửa bốc cao hừng hực đêm rừng …Tất cả phải cùng say, quấn lấy nhau và thỏa mãn tận cùng trong tâm thức lãng quên. Để hôm sau, khi tỉnh dậy, cả khách lẫn chủ không ai còn nhớ đêm qua ai đã làm gì …Thú vui này như một kiểu nghiện, khiến đồng bào xa xưa chẳng bận tâm tích lũy tài sản. Sản lượng gặt hái của mỗi vụ mùa chỉ cần ưu tiên cho các ché rượu. Hễ thiếu ăn lại vác chụp vào rừng đào củ mài, đặt bẫy, vớt cá suối, hái rau rừng qua bữa.
Bản năng văn hóa rượu cần giúp cuộc sống thi vị, lung linh màu sắc, nếu như nó không đi kèm những hủ tục mông muội, tàn nhẫn, bi thương.
“Dọ tơm amí”
Khởi nguyên, tục “dọ tơm amí” chỉ quẩn quanh trong một số buôn làng của đồng bào Bana, Jơ rai, Jẻ Triêng, những sắc tộc bản địa đông đúc sinh sống lâu đời trên cao nguyên Gia Lai- Kon Tum, phía Bắc Tây Nguyên. Nhưng sau đó, theo những nhóm người ly tán, giao thoa, tục “dọ tơm amí” lan nhiễm qua cả những cộng đồng Xêđăng, S’rá, và vài nhánh Ê đê ở những vùng nghèo khó nhất.
Theo hủ tục này, nếu người mẹ chẳng may chết khi vượt cạn thì trẻ sơ sinh phải bị bỏ xuống huyệt chôn theo mẹ. Trẻ đã vài tuần, thậm chí đầy tháng tuổi mà mẹ ốm chết vì kiệt sức, hậu sản, thì đứa trẻ cũng bị chôn sống theo, hoặc bị vứt bỏ giữa bãi tha ma cho chết mòn hoặc thú dữ ăn thịt. Buôn làng càng thiếu thốn lạc hậu, hủ tục càng phổ biến vì đồng bào không biết cách nuôi dưỡng hài nhi thiếu sữa mẹ, luôn tin đứa bé đã làm cho mẹ chết cần phải theo mẹ về cõi ma mới mong được chăm sóc tốt hơn... Trên nhiều ngôi mộ chôn chung những đôi mẹ con tội nghiệp người Ba Na, Jơ rai, Jẻ Triêng, vì vậy mà nghệ nhân vẫn tạc tượng nhà mồ tạo hình mẹ ôm con, mẹ cõng con chan chứa tình thương nhưng trĩu nặng thảm sầu.
Joă ană
Văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tôn trọng quyền tự do yêu đương, chọn lựa bạn đời của các đôi trai gái, trừ trường hợp mặc định từ đầu không thể kết hợp nên sẽ bị cả gia tộc cấm đoán, giữa những đôi trai gái dù khác nhánh nhưng cùng một “gốc họ”, như cùng gốc “ Mlô” hay cùng gốc “Niê” trong tập quán của đồng bào Ê đê.
Đồng bào Jơ Rai vùng Ia Le huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai trước kia có tục “ngă mit”, ngă là làm, mit là đêm tối, cho phép con gái vào tuổi dậy thì được tự do chọn lựa ý trung nhân nếu đã lỡ “ăn cơm trước kẻng” thì có quyền mời người làm chứng để “ giữ chân” cho đối tác khỏi “xù” . Nhưng gặp kẻ sở khanh ngă mấy thì ngă, xù vẫn xù, thì sơn nữ lắm khi phải vài lần ngă mit !
Khi nàng lấy chồng, nếu người chồng nghi ngờ đứa bé đầu tiên ra đời không phải con mình, anh ta có quyền yêu cầu vợ hoặc bà đỡ phải Joă ană (đạp đến chết), nếu không sẽ mời già làng xét xử, không những mất mặt với cộng đồng mà còn có thể bị đuổi khỏi làng, tựa đi đày biệt xứ. Joă là đạp, ană là con, Joă ană là đạp con cho chết, hủ tục này nghiệt ngã tàn khốc hơn cả “dọ tơm amí”.
Buộc phải tự thi hành án Joă ană, người phụ nữ vừa gượng dậy sau sinh nở sẽ phải bồng con vô rừng, dùng cây chụp loại chuyên đào củ mài đào một hố tròn sâu, thả đứa con mình vừa rứt ruột đẻ ra dốc ngược đầu xuống đáy hố để hồn ma bé khỏi biết đường về, rồi… đạp và …lấp, trước sự chứng kiến của gã chồng đinh ninh từ nay người vợ này mới hoàn toàn thuộc về mình, đứa con tiếp theo mới chắc chắn là con của mình.
Giành lại quyền sống cho trẻ thơ
Đến Kon Tum, đoàn du khách nào cũng được hướng dẫn ghé thăm nhà Rông, Nhà thờ gỗ Kon R’Bang trăm tuổi nổi tiếng độc đáo số một của thành phố nhỏ bé xinh đẹp phía Bắc Tây Nguyên, rồi vòng ra phía sau tòa giáo đường lộng lẫy thăm một công trình đầy ý nghĩa khác, là Tổ ấm Vinh Sơn thuộc dòng Ảnh Phép Lạ (APL) - dòng tu duy nhất trên cả nước do các nữ tu người dân tộc thiểu số sáng lập- nơi nửa thế kỷ qua đã cưu mang nuôi nấng mấy trăm trẻ nhỏ mồ côi tật nguyền, trong đó có nhiều em bé được giành khỏi tay tử thần “Dọ tom amí” và “Joă ană”.
Cuối tháng 8/2005, nữ y tá Y Ngum ở trạm xá xã Đăk Sao huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đón một phụ nữ người Xê Đăng ở làng Kạch Lớn 2 tên là Y Nel, bụng chửa vượt mặt lại bị rắn độc cắn trong lúc lên rừng hái măng. Y Nel tắt thở đúng lúc đứa con trai đầu lòng chào đời. Cộng đồng làng Kạch nhất trí chôn con theo mẹ, anh A Huih, cha bé không dám cãi, nhưng nữ y tá Y Ngum cương quyết không cho làng chôn sống cháu bé. Được chồng là anh Nguyễn Đức Thành Nam, thành viên đội trí thức trẻ tình nguyện đồng tình ủng hộ, Y Ngum đã thuyết phục được làng Kạch trao cháu bé cho cô nhận làm con nuôi, đặt tên là A Công Sơn.
Bà đỡ hoặc người vợ đáng thương biết sinh linh trong bụng mình sắp bị giết, đã trốn làng chạy đến tu viện cầu xin cứu vớt. Những thân phận Dọ tom amí, Joă ană đầu tiên về với dòng APL từ năm 1947. Tiếng lành đồn xa, càng ngày số trẻ bất hạnh được đưa về Tổ ấm càng đông, các nữ tu phải tách cơ sở làm đôi. Tổ ấm I lặng lẽ nép mình sau Nhà thờ gỗ. Tổ ấm II cách gần 2 cây số, nằm khuất sâu trong thôn Kon Harachot.
Xơ Y Blưih người dân tộc Bơhnar là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn I. Xơ Gông người dân tộc Xêđăng là mẹ cả của Tổ ấm Vinh Sơn II. Hai bà năm nay đều đã 63 tuổi, nhân từ phúc hậu, đi tới đâu đàn cháu nhỏ cũng vẫy gọi rối rít và giơ tay đòi bế. Để có đủ cơm áo nuôi nấng hàng trăm trẻ nhỏ, có tiền thuê thầy cô vào dạy học, các xơ phải vừa chăm trẻ vừa tổ chức lao động sản xuất.
Từ đây, nhiều thân phận bất hạnh đã có cơ hội học hành đỗ đạt. Vượt qua rào cản ngôn ngữ, theo kịp các bạn ở các trường công lập là cố gắng lớn. Thi đậu vào cao đẳng, đại học lại là kỳ tích của cả mẹ và con. Các xơ thuộc lòng tên tuổi những đứa con mang lại niềm tự hào, thành tấm gương sáng cho lớp em sau ở tổ ấm: A Huyên, A Nương, dân tộc Bơhnar, A Rươh dân tộc Jơlâng, Y Yêm dân tộc Xơđăng , Y Thu người S’rá , Alê Khăm dân tộc Rơngao, Y Loai dân tộc Jơlâng ...
Xơ Y Blưih bồng một em bé xinh như thiên thần, kể cho tôi nghe: Em bé này người Jơ Rai, đã may mắn khỏi chết oan vì bị chôn theo mẹ. Khi bé được 4 tháng tuổi, mẹ bé ở làng Kon Thup, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai địu con lên rẫy bị trúng gió qua đời. Dân làng họp lại, đồng tình Dọ tom amí.
Một phụ nữ nhân hậu cùng làng nghe tin vội bỏ buổi tuốt lúa chạy về nài xin làng cho chị nhận bé làm con nuôi, dù nhà chị cũng nghèo và có tới 7 đứa con. Đón được bé về, vợ chồng chị làm khai sinh, đặt tên cháu là Pi Yo Rong rồi báo cho một nữ tu ở TP Plây Ku nhờ giúp đỡ.
Bố nuôi cầm lái xe máy, nữ tu ngồi sau ôm Pi Yo Rong chạy mấy chục cây số qua Kon Tum xin mẹ cả Y Blưih nhận cháu. Về nơi ở mới, Pi Yo Rong được chị Y Loan người Xêđăng quê huyện Ngọc Hồi, Kon Tum đang học lớp 6 nhận làm em nuôi, vì mười mấy năm trước Y Loan cũng được cứu khỏi tục chôn con theo mẹ .
Giờ cuộc sống từng ngày đổi thay, buôn làng khắp Tây Nguyên giờ đều đã tiến bộ, tiện nghi đầy đủ hơn xưa. Hủ tục “Dọ tom amí” và “Joă ană” dần lui vào dĩ vãng.
(Còn nữa)