HSBC khuyến nghị NHNN thắt chặt chính sách tiền tệ

TPO -  “Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là 6,7% mà chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ đạt được. Với mức tăng trưởng đã chuyển hẳn sang mức 6 -7% một cách vững chắc, lạm phát sẽ vượt qua mức mục tiêu đề ra 5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong nửa sau năm 2016, điều này đòi hỏi NHNN phải có chính sách thắt chặt”, Nghiên cứu Triển vọng kinh  tế Việt Nam tháng 1/2016 HSBC công bố hôm nay 6/1.

Nguồn dự trữ của NHNN ngày càng mỏng (tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III.2015), NHNN có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới, đó là một trong dự báo đáng lưu ý của nghiên cứu này.

Nhìn nhận lại nền kinh tế Việt Nam, nhóm nghiên cứu cho rằng: Nền kinh tế đã đạt được thành quả tốt trong năm 2015; GDP tăng 6,7% - mức tăng nhanh nhất trong vòng tám năm qua, trong khi lạm phát đã tăng chậm lại chỉ còn 0,6%.  HSBC vẫn duy trì mức dự báo tăng trưởng trong năm 2016 đạt 6,7% khi nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều vẫn mạnh

Tuy nhiên, với những hiệu ứng cơ bản từ việc ổn định giá dầu và lạm phát giá thực phẩm có thể quay lại, dự đoán lạm phát toàn phần sẽ tăng 3% vào cuối nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ và tăng 5,1% vào nửa cuối năm 2016, vượt mức mục tiêu do NHNN đề ra.

“Tổng cục Thống kê đang nhấn mạnh đến những nguy cơ xảy ra do lạm phát có thể vượt mức mục tiêu 5% trong năm 2016 do việc tăng học phí và khả năng tăng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giá điện . 

Về phần mình, NHNN có vẻ khá thư giãn về vấn đề giá cả trong tương lai. Trong phần trả lời phỏng vấn gần đây với báo chí trong nước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã giải thích rằng NHNN đã dự định giữ mức lãi suất chính sách ổn định ở mức hiện tại nếu như lạm phát được giữ ở khung 3-5%. 

Ông cũng cho rằng NHNN đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm lên 18% so với cùng kỳ mặc dù con số này có thể đạt mức cao nhất 20%”- Báo cáo HSBC viết.

Theo đó, HSBC nhận định: ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế (do giá cả hàng hóa có mức lạm phát chậm hơn), NHNN nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay để giảm thiểu rủi ro của những vấn đề nóng bỏng khác. Điều này đặc biệt đúng trong việc xem xét những mất cân đối bên ngoài của Việt Nam mà dự báo trong năm nay sẽ còn mở rộng.

“Trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ủng hộ tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng và một nền kinh tế quá nóng. Hậu quả quả là Việt Nam đã đi đến tình trạng bất ổn tiền tệ và đòi hỏi chính sách thắt chặt mạnh để xoay chuyển tình thế. Chính vì vậy, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ chuyển sang phương thức thắt chặt trong năm nay, áp dụng mức tăng đầu tiên 50 điểm trong quý III.2016”, HSBC lưu ý .

Theo HSBC, trong  bối cảnh Việt Nam vẫn chưa đi đến nửa đường trong cuộc cải cách lĩnh vực tài chính và các bảng cân đối tài chính của ngân hàng vẫn còn yếu, tổ chức này thật sự lo ngại nếu tăng trưởng tín dụng bắt đầu ở mức cao 20%. Đồng Việt vẫn chịu nhiều áp lực Đồng hành cùng với việc thâm hụt thương mại mở rộng là áp lực ngày càng tăng lên tiền đồng và dự trữ ngoại tệ. 

Cặp tỷ giá USD/VND đang được giao dịch ở ngưỡng cao của biên độ cho phép do NHNN đề ra kể từ đầu năm 2015. Đồng RMB ngày càng yếu thêm được niêm yết ở Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc ngày 11/8/2015 đã làm tăng áp lực lên tiền đồng. Tuy nhiên, những mối lo ngại về năng lực cạnh tranh chỉ là một phần của câu chuyện.

Tiền đồng yếu cũng chỉ thể hiện mức độ ưa thích hàng nhập khẩu, đồng hành với sự hồi phục nhu cầu trong nước. NHNN đã tuyên bố cơ chế điều chỉnh mới đối với tiền đồng, mở đường cho sự biến động hai chiều lớn hơn đối với tiền tệ. 


Tuy nhiên, khi nguồn dự trữ của NHNN ngày càng mỏng (tính theo giá trị nhập khẩu đã giảm còn 2,1 tháng vào quý III.2015), NHNN có thể sẽ giảm dần can thiệp và cho phép tiền đồng giảm giá thêm nữa trong những tháng tới. Trên thực tế, chỉ trong ngày 4.1.2016 vừa qua, NHNN đã giới thiệu một cơ chế điều chỉnh mới cho phép thiết lập tỷ giá tham chiếu USD/VND dựa trên thị trường.