> Nhân viên y tế ăn bớt vắc-xin của trẻ
> Kinh hoàng chuyện 'ăn bớt' vắc xin tại TT Y tế dự phòng Hà Nội
> Phản ứng chậm với vắc xin Quinvaxem
Không còn lựa chọn
8 giờ sáng, vợ chồng anh Nguyễn Văn Hải, 32 tuổi ở Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM đã đưa con hai tháng tuổi đến chờ tiêm phòng ở Viện Pasteur TPHCM. Bên trong khoa khám bệnh và tiêm phòng chật ních phụ huynh và con trẻ ngồi ken cứng chờ gọi tên.
Anh Hải dự định đưa con đến trạm y tế gần nhà để tiêm phòng nhưng đùng một cái họ thông báo đã ngưng vắc-xin “5 trong 1” phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não Hib và viêm gan B hiệu Quinvaxem để xem xét tai biến.
“Từ chỗ không tốn đồng nào, bây giờ chích cho con một mũi phải đóng gần 700 nghìn đồng. Hết ba mũi, số tiền hơn hai triệu đồng là rất lớn”- anh Hải than.
Khi phóng viên đến Phòng khám đa khoa Nancy ở quận 1, TPHCM hỏi thăm về vắc-xin Quinvaxem chích cho con, nhân viên liền hướng dẫn “tiêm vắc-xin dịch vụ đi vì an toàn.
Vắc-xin Quinvaxem bị ngưng rồi”. Theo nhân viên này, mấy ngày qua phụ huynh đưa con đến tiêm vắc xin dịch vụ khá đông.
“Mỗi ngày có khoảng 50 trường hợp tiêm vắc-xin dịch vụ thay thế vắc-xin tiêm chủng mở rộng Quinvaxem trong khi trước đó chỉ có vài trường hợp”- nhân viên cho biết.
Tại Khoa Trẻ em lành mạnh của Bệnh viện Nhi đồng 2, số trẻ được đưa đến tiêm vắc-xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim và vắc-xin “6 trong 1” Infaric-hexa, hai loại vắc-xin thay thế Quinvaxem đông hơn thời điểm trước đó.
Chưa có thống kê chính thức nhưng trao đổi với Tiền Phong, bác sĩ Phạm Lê Thanh Bình - Trưởng khoa cho biết số trẻ đến tiêm phòng tăng gần 50% so với thời điểm trước.
“Từ khi có những trẻ bị tai biến do vắc-xin Quinvaxem gây ra, số trẻ đến tiêm dịch vụ đã tăng nhưng nay ngưng vắc-xin này, số tiêm dịch vụ đã tăng đột biến”- bác sĩ Bình nói.
Tháng 4/2013, khoa tiêm phòng của Viện Pasteur TPHCM đã tiêm dịch vụ vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim thay thế cho Quinvaxem cho 235 trẻ. Nhưng chỉ trong ngày đầu ngưng vắc-xin Quivaxem đã có 20 trẻ được đưa đến tiêm vắc-xin dịch vụ Pentaxim và trong ngày hôm qua con số này lên khoảng 30 trẻ.
Những gia đình nghèo, có con trong độ tuổi phải tiêm vắc-xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng nay sẽ rất khó khăn bởi một trẻ phải tiêm ba mũi, một mũi từ 600-700 nghìn đồng
Một bác sĩ bình luận
Loạn giá
Đã chích mũi đầu vắc-xin Quinvaxem cho con gái nhưng hôm qua đến hẹn tiêm nhắc lại lần hai, chị Hồ Thị Hải, ở quận 7, TPHCM không còn cách nào khác phải đưa con đi tiêm vắc-xin dịch vụ thay thế.
“Tôi hỏi giá ở Phòng khám Nancy thì họ bảo có vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim giá 740 nghìn đồng, trong khi bên Bệnh viện Nhi đồng 1 tôi được biết chỉ 640 nghìn đồng”- chị Hải nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM khẳng định với PV Tiền Phong rằng, dù lượng người tiêm vắc-xin dịch vụ đông hơn, song giá vắc-xin là giá chung của tất cả các cơ sở y tế kể cả cơ sở tư. Tuy nhiên, một vòng tìm hiểu vào hôm qua ở các cơ sở chủng ngừa cho thấy giá cả “nhảy múa” tự do.
Loại vắc-xin “5 trong 1” Pentaxim phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm màng não mủ ở Viện Pasteur TPHCM có giá 650 nghìn đồng/liều, trong khi ở Phòng khám Nancy loại vắc-xin này có giá hơn 735 nghìn đồng/liều.
Loại vắc-xin “6 trong 1” Infarix-hexa cũng bắt đầu loạn giá. Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân Phú, TPHCM thu giá 630 nghìn đồng/mũi, ở Viện Pasteur TPHCM có giá 680 nghìn đồng, ở Bệnh viện Nhi đồng 1 có giá 615 nghìn đồng, còn ở Bệnh viện Nhi đồng 2 chỉ khoảng 580 nghìn đồng. Đặc biệt tại phòng khám tư Nancy, loại vắc-xin này lên tới 740 nghìn đồng/liều.
TS Trần Ngọc Hữu - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định, nơi đây lúc nào cũng chuẩn bị một lượng lớn vắc-xin dịch vụ nên không lo thiếu vắc-xin. Bác sĩ Hữu cho biết thêm, không tăng giá vắc-xin thay thế loại Quinvaxem, kể cả những vắc-xin tiêm riêng từng mũi.