Hồng Thanh Quang đã 'Quên mình chỉ để nghĩ về em' như thế nào

TP - Robert Pinsky, thi bá (một giai đoạn) của nước Mỹ, nói: “Không nhà thơ nào từ chối đọc thơ mình”. Hồng Thanh Quang đã đọc rất bốc thơ của mình và còn cuốn được người khác theo đà say sưa đó, trong đêm thơ nhạc “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” ở Nhà hát Lớn Hà Nội vừa rồi.

> Hồng Thanh Quang và dự án thơ… hoành tráng
> Cuộc thi thơ tình đầu tiên trên Facebook

Từ khoảng 700 bài thơ phổ biến rải rác trên facebook cá nhân, Hồng Thanh Quang lựa ra một nửa, đưa vào tập Nỗi buồn tốc ký 1. Nỗi buồn tốc ký 2 gồm hơn 400 bài tuyển từ sự nghiệp sáng tác ba chục năm của anh.

Mới tiết mục thứ ba đã thấy ca sĩ Quang Lý bước ra, tung “chưởng” Khúc mùa thu, thầm lo cho chủ nhân, bởi đinh của chương trình mà tung sớm thế, sau đây sẽ ra sao? Hóa ra dấn vốn của anh còn khối, và hóa ra không chỉ Phú Quang mà Phú Ân, An Thuyên, Quỳnh Hợp, Đức Trịnh đều từng phổ thơ Hồng Thanh Quang. Chưa kể anh còn tự “phổ lấy”- bài Lạc tới dòng sông, Tấn Minh hát.

Câu thơ được nhiều người truyền tụng hồi thập kỷ 90 của Hồng Thanh Quang, một trong những dòng có thể coi như nhật ký cuộc tình với NSND Lê Dung “Nếu hạnh phúc cho nhau/Luật trời ta cũng sửa” đã được chính An Thuyên chuyển thành giai điệu.

Ca sĩ Phương Anh - lâu lắm mới xuất hiện trở lại, thể hiện khá mềm mượt. (Dễ gì hát cái câu Luật trời cũng sửa). Tuấn Hiệp hát cũng hay hơn hồi còn mở quán cà phê ven hồ Trúc Bạch (bài Noel buồn Hồng Thanh Quang phổ thơ người bạn- Triệu Ngọc Lâm).

Tác giả đọc thơ bộ đội, thơ tình, rồi ca sĩ Ngọc Khang ôn lại chút kỉ niệm học ở Nga cùng Hồng Thanh Quang và hát Nhựa bạch dương bằng tiếng Nga trong một khung cảnh phù hợp - đúng ngày kỉ niệm Cách mạng tháng Mười.

Nghe Thúy Mùi ngâm “Thu mà, cỏ ở triền đê/Nửa xanh xao tím nửa tê tái vàng” cũng ép-phê như khi Lê Khanh đọc “Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/Giữa trời rơi không chịu mở dù”. Và Hồng Thanh Quang đọc bài thơ tặng con gái Linh Vân, cảm động: Như chiếc lá non/Mặt tròn giống cha/Mũi to giống cha/ Ngón tay thon dài như mọi mỹ nữ họ nhà mình/…Cha có lẽ không thể giúp cho đời con bằng phẳng hơn định mệnh/Nhưng nếu cha yêu thương trân trọng hơn tất cả đàn bà trên thế giới/Đời con sẽ đỡ mưa sa?...

Với tư cách tác gỉa thơ, Hồng Thanh Quang nhiều lợi thế. Anh đi bộ đội về, học vô tuyến điện ở Nga, làm báo, làm sếp (Phó Tổng báo Công an Nhân dân). Như một câu thơ mà anh đã viết thành thật: Họ khen tôi hiền làm thơ mà lại biết kiếm tiền và ngỏ ý tỵ với vợ tôi có được người chồng tử tế.

Nhà hát Lớn đầy bạn bè và đồng nghiệp báo quân đội lẫn báo công an (cơ quan cũ và mới) tiền hô hậu ủng, vỗ tay rào rào, thích thú ngắm tác phẩm sắp đặt là con voi bằng giấy bồi dán thơ Hồng Thanh Quang bày ở sảnh nhà hát.

Khán giả nữ thì có kiểu vỗ tay giống với đêm nhạc riêng của Phú Quang, bởi đêm này tôn vinh họ ghê quá, người làm thơ có vẻ yêu phụ nữ quá. Người đâu mà sướng thế! Nhà hát hàn lâm, tiệc rượu, hoa đẹp, thơ nhạc tấu lên có người hưởng ứng, thử hỏi nhà thơ nào lại không mơ!

Có điều, Lê Khanh thêm một lần chứng tỏ chị đúng là “vô địch nói nhịu” làng sân khấu, riêng đêm 7/11 này ít nhất hai lần, lần thì nói hạnh phúc thành hạnh chúc, lần thì không kiểm soát được câu “các bác các anh chị”.

Hồng Thanh Quang vừa ra giới thiệu “người em của tôi ở TPHCM, nghe tin tôi làm đêm này đã đòi góp mặt, một ca sĩ mà nếu khán giả bình tĩnh nghe anh thì…”, mọi người đã cười ồ.

Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện với bộ cánh đen thẫm, anh hát Mẹ vẫn kiểu kịch tính quen thuộc, làn hơi hôm nay xem ra không trường lắm tuy vậy khán giả vẫn ưu ái vỗ tay dài dài, làm anh có vẻ cảm động thực sự.

Vừa hôm qua, anh nhận được văn bản của Cục Nghệ thuật Biểu diễn cảnh cáo về những hành vi chưa phù hợp và mang tính hệ thống, khiến anh phải hồi đáp bằng lá đơn hứa "sẽ ngoan"

Tháng trước, bị một số khán giả mắng mỏ vụ “đi viếng Tướng Giáp không chịu xếp hàng”, Mr Đàm cũng phải cậy Hồng Thanh Quang hậu thuẫn cho anh. Chả là đại tá - nhà thơ có lời bênh Đàm trên facebook.

Nghe lời phi lộ thì có vẻ Đàm Vĩnh Hưng không được hạnh phúc trong quan hệ với mẹ, thế nên anh mới hát Mẹ một cách khao khát- như anh bày tỏ. Tuy vậy trong trí nhớ của người viết, hình như đối tượng anh phàn nàn dạo nọ lại không phải thân mẫu mà là những người đã đuổi mẹ con anh ra khỏi nhà, làm anh tức chí bấm chí dựng nên cơ nghiệp ngày nay.

Nếu như Trần Hoài Thu chỉ duy nhất một bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc đã trở nên nức tiếng cả nước, về sau bán bản quyền thơ được 200 triệu đồng, thì vào thập kỷ 90, Khúc mùa thu của Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang được nhiều người thuộc.

Còn nhớ trong một đêm nhạc Phú Quang năm 1994, cô bạn tôi, nhà báo Hồ Hải Âu nói với Phú Quang “Em thích ca từ của anh lắm” tôi bèn trêu “Thích nhất ca từ của anh trong Khúc mùa thu” (Phú Quang ít tự làm lời) và Phú Quang cười phản ứng: “Đểu đểu đểu!” Câu “Khi thanh âm cũng bất lực như lời” (Khúc mùa thu) thì sửa, cho vui, thành “Khi thanh âm cũng bất lực như người”. (!)

Phú Quang vẫn là nhạc sĩ phổ thơ Hồng Thanh Quang nhiều nhất. Sau đêm diễn, có nhà báo miêu tả Phú Quang nom “đầy cô đơn” khi hát bài kết đêm diễn Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em. Phú Quang hay nói về sự bối rối của mình và tôi lại phải chọc rằng “Lại đánh quả bối rối hả”.

Hồng Thanh Quang ra sân khấu nom hơi tất tả, giọng có lúc cao độ hơi quá, chưa phù hợp lắm với sân khấu Nhà hát Lớn nhưng sự thành thực này là không đáng nghi ngờ. Kể cả làm thơ “Đôi khi tôi thực chán tôi” hay ngược lại “Anh buồn lắm bởi vì anh tử tế”, cũng thế. “Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em” hay ngược lại “Có thể quên nhau mới may ra hạnh phúc”, cũng thế.

Từng có người nhận thấy Giọt nắng bên thềm của Thanh Tùng có câu nghe như lời trách giận nặng nề: Cây sen đá lá bạc như vôi! còn Hồng Thanh Quang luôn được tiếng là dịu dàng dù đang nói to hay nói nhỏ: “Anh nhìn nắng xế hàng cau/Nhớ bài thơ lỡ viết câu nặng lời”. Nhiều câu đọc một lần không quên được: “Không đủ chữ để viết/Không đủ ác để ghen/Lệ không đủ để khóc/Đời không đủ dài để lận đận cùng em”.

Một tiếng rưỡi hóa ra khá ngắn. Nghe không ít khán giả than như vậy, mới thấy hóa ra nhu cầu thưởng thức thơ là có thật. Lẽ ra Lê Khanh, Thúy Mùi có thể đọc thêm những bài thơ hay hơn nữa mà không phải ai cũng biết của Hồng Thanh Quang.

Ngày xưa, Hồng Thanh Quang có “những câu thơ trong trí nhớ” của người đọc, một phần do nó được bao phủ bằng giai thoại xoay quanh những cuộc tình nổi tiếng. Như chuyện chỉ một câu Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc (Khúc mùa thu) mà có đến hai người gặp Phú Quang “cảm ơn anh đã phổ rất hay bài thơ tặng em”. (Phú Quang thiên về giả thiết đối tượng là “cô nhà báo, không phải cô ca sĩ, vì cô nhà báo tóc đen hơn thật”).

Nhà thơ để nổi tiếng cần chút tài, chút ngoại hình, chút duyên (ví dụ duyên được phổ nhạc), càng nhiều giai thoại càng tốt. Thì Hồng Thanh Quang có cả. So với tiêu chí của Bảo Ninh cách đây hai chục năm “nhà văn chỉ có một đất nước, một cuốn sách thôi” (tất nhiên cuốn sách đó phải “ra gì”), Hồng Thanh Quang lại có hơn một. Thế nên đêm thơ nhạc vừa qua có thể không phải là duy nhất.

Theo Báo giấy