‘Hôn nhân hợp tác’ - mặt trái trong thế giới đồng tính ở Trung Quốc

Để đối phó với dư luận xã hội và làm vui lòng gia đình, nhiều người đồng tính nam (gay), đồng tính nữ (les) ở Trung Quốc đã kết hôn với nhau theo danh nghĩa "hôn nhân hợp tác". Đó là những vụ kết hôn "đôi bên cùng có lợi", thường không đăng ký kết hôn nên không có ràng buộc về mặt pháp lý.
William và Andi quyết định đến với nhau nhưng không đăng ký kết hôn để không phải ràng buộc về mặt pháp lý.

Cuộc sống hai mặt


William và Andi (không phải tên thật của nhân vật) kết hôn được bốn năm, nhưng không gặp nhau trong thời gian dài. Andi đến căn hộ của William ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. William đưa cho cô một cốc nước chanh đá và khăn giấy lạnh. Trong phòng khách rộng rãi, hai người thoải mái nói chuyện về công việc, gia đình và bè bạn. Sau vài phút nói chuyện, hai người bàn đến chuyện có con.

Năm nay Andi 33 tuổi, không còn trẻ để nói chuyện con cái ở Trung Quốc. William cũng đã bước sang tuổi 36 và có công việc ổn định tại một công ty lớn của nhà nước. Ngoài việc làm hài lòng cha mẹ, có con sẽ giúp William "hoàn hảo" hơn trong mắt lãnh đạo vì họ sẽ cho rằng, anh là người đàn ông đã ổn định về cuộc sống gia đình. Mặc khác, Andi thừa nhận, cô mong muốn được làm mẹ.

"Tại sao chúng ta nên có con?", Andi hỏi. "Để làm cho cha mẹ chúng ta hạnh phúc", William đáp lại. "Chúng ta sẽ nuôi dạy chúng ở đâu? Tôi sẽ phải chuyển đến sống với anh? Chúng ta sẽ nói sự thật với bọn trẻ như thế nào?", Andi băn khoăn. Andi có mái tóc dày và dài ngang vai. Cô làm việc như một nhà thiết kế đồ họa và sống ở Bắc Kinh với bạn gái của mình trong 10 năm.

Còn William cũng đã có bạn trai trong thời gian dài. Họ là những công dân Trung Quốc và chỉ nói tên bằng tiếng Anh khi được phỏng vấn. Họ là những "bóng kín" trong xã hội Trung Quốc hiện đại. "Đã có lần mẹ tôi nghi ngờ về mối quan hệ giữa tôi và William. Bà nói rằng, hình như tôi không gần gũi với chồng lắm. Tôi không nói gì. Im lặng là vàng trong tình huống như vậy", Andi kể lại.

William và Andi chỉ là một trong số rất nhiều cặp đôi tìm cách che giấu giới tính thật của mình bằng "hôn nhân hợp tác", mà bản chất là một cuộc hôn nhân giả giữa một người đồng tính nam và một người đồng tính nữ. Ở Trung Quốc, đồng tính luyến ái từng bị coi là bệnh tâm thần cho đến năm 2001, bị xác định là một tội phạm cho đến năm 1997.

Theo một kết quả nghiên cứu, 80% trong tổng số khoảng 20 triệu người đồng tính nam ở Trung Quốc tìm đến hôn nhân giả. Các chuyên gia xã hội học Trung Quốc nhận định, ngày càng nhiều đồng tính nam và đồng tính nữ để kết hôn với nhau. Họ tin rằng, lựa chọn này tốt hơn so với việc kết hôn và làm tổn thương những người vợ, chồng dị tính. Bên cạnh đó, "hôn nhân hợp tác" không bó buộc cuộc sống của nhau và mỗi người vẫn có thể có người yêu đích thực của mình.

Trung tâm mai mối "kết hôn hợp tác" nở rộ

10 năm trước, Andi quyết định tìm kiếm đối tác kết hôn bằng những dòng "quảng cáo" trên một diễn đàn mạng. Đó là thông điệp đơn giản: "cần tìm người đàn ông đồng tính ở Bắc Kinh để kết hôn với một người vợ đồng tính".

Sau khi nói chuyện trực tuyến, hai người quyết định gặp nhau tại một nhà hàng KFC. Andi và William đã tìm được tiếng nói chung, họ quyết định đến với nhau mà không đăng ký kết hôn để không phải ràng buộc về mặt pháp lý. "Phải làm sao với vấn đề con cái. Nó sẽ thật khủng khiếp nếu cha mẹ chúng ta muốn đến Bắc Kinh để giúp chăm sóc em bé", Andi ngao ngán thốt lên.

Hiện nay, ở Trung Quốc, những người đồng tính dễ dàng tìm được "đối tác" để kết hôn thông qua dịch vụ "mai mối" trực tuyến. Những dịch vụ này bắt đầu xuất hiện vào những năm 2000 và thu hút rất đông người đồng tính tham gia.

Jing, người điều hành một diễn đàn trực tuyến về hôn nhân hợp tác ở miền bắc Trung Quốc nói rằng, để một cuộc "hôn nhân hợp tác" thành công, các bên phải tìm hiểu kỹ về đối tác của mình. "Bạn không thể kết hôn với một người mà bạn không biết. Trước khi quyết định kết hôn với người nào đó, ngay cả khi nó là cuộc kết hôn giả, bạn cũng cần nói chuyện, thỏa thuận với đối tác", Jing nói.

Tuy nhiên, không phải người đồng tính nào cũng tìm được bạn đời để "kết hôn hợp tác". "Tôi đã nhiều lần thử tìm kiếm người chồng đồng tính, nhưng không thành công", Charlene, một nhân viên quan hệ công chúng ở Thượng Hải chia sẻ. "Họ muốn có vợ đẹp để làm "bình phong" cho họ với đồng nghiệp ở công ty hay cùng góp tiền mua chung căn hộ. Thậm chí, có người đàn ông còn đề nghị tôi phẫu thuật thẩm mỹ để trông xinh hơn",  Charlene  nói tiếp.

"Có nhiều người muốn có cuộc "hôn nhân hợp tác" hơn là trở thành vợ chồng thực sự", Stephanie Wang, một chuyên gia nghiên cứu về cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) tại Bắc Kinh nhận định. Theo Stephanie Wang, trong một số trường hợp, khi cuộc "hôn nhân hợp tác" kết thúc, các bên quyết định công khai giới tính với bố mẹ.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu