Hỗn chiến chết người vì đất rừng tại Đắk Lắk: Tranh chấp diện rộng

TP - Đây là cảnh báo của Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp (Đắk Lắk) Nguyễn Đình Toản sau khi xảy ra án mạng mới đây tại xã Ea Bung vì tranh chấp đất rừng. Thực tế trong vòng mấy tháng cuối năm 2017, chỉ riêng xã Ea Bung đã xảy ra 2 vụ án lấn chiếm, tranh chấp đất rừng dẫn đến chết người.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ hỗn chiến đổ máu ngày 16/12.

Dân đã từng trình báo lên công an xã

Theo bản báo cáo số 106 lập ngày 18/12/2017 của UBND xã Ea Bung, lúc 12h54’ ngày 16/12 công an xã  nhận được tin báo từ bà Phạm Thị Phượng sinh năm 1973 thường trú tại thôn 8, xã Ea Bung, về việc tại vùng đất lâm nghiệp đã chuyển sang trồng lúa rộng 8,5 ha ở tiểu khu 263 cách UBND xã 20 km về hướng Tây Nam, đang xảy ra vụ tranh chấp đất giữa ông Nguyễn Duy Điển trú tại Bình Phước, và ông Đặng Văn Hà trú tại thị trấn Ea Súp, có xe máy cày đang cày xới và sắp xảy ra đánh nhau, đề nghị công an vào gấp. Công an xã lập tức báo cáo UBND xã. UBND xã đã khẩn trương điều lực lượng phối hợp vào tiểu khu 263, đồng thời báo cáo công an huyện và UBND huyện để xin ý kiến chỉ đạo.

Đến 13h38’ cùng ngày, khi các lực lượng đến hiện trường, thì hậu quả thương vong rất nghiêm trọng đã xảy ra. Có tới 5 người bị thương nằm trong gầm xe máy cày và xe ô tô độ chế, 1 người bị thương nhẹ ngồi bên cạnh 2 xe, 1 người đã chết nằm trong cabin ô tô độ chế.

Cũng theo báo cáo 106, nguồn tin khác xác nhận rằng có hai phe đã dùng dao, rựa, mã tấu, xà beng, súng tự chế lao vào tấn công nhau vì mâu thuẫn trong tranh chấp lô đất trồng lúa này, cụ thể phe của ông Đặng Văn Hà có 8 người, và phe của bà Phượng khoảng 20 người.

Trao đổi với PV Tiền Phong gần hiện trường, anh T trú tại xã Ea Bung xác nhận mình đã trực tiếp chứng kiến sự việc. Anh T kể: Sáng 16/12, một nhóm người đi xe ô tô và máy cày vào cày xới tại tiểu khu nói trên, nên đã xảy ra mâu thuẫn với gia đình bà Phạm Thị Phượng ở thôn 8. Nhóm đi ô tô tấn công trước, sau đó dân bản địa  nhảy vào “hỗ trợ” khiến máu đổ tùm lum.

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung xác nhận mâu thuẫn tích tụ từng được cảnh báo trước 1 tuần. “Tuần trước bà Phạm Thị Phượng ở thôn 8 lên xã trình báo, con trai của bà đang cày xới tại tiểu khu 263 thì bị một nhóm đối tượng chém bị thương. Công an xã đang thụ lý điều tra chưa xong, thì xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng này!”, ông Hạnh nói.

Cũng theo ông Hạnh, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi giấy phép hoạt động của một công ty lâm nghiệp trên địa bàn xã Ea Bung, một số đối tượng vào đó bao chiếm, phá rừng làm rẫy. Ngay trong tháng 11/2017 cũng mới xảy ra vụ 1 người bị bắn chết cũng vì tranh chấp đất.

Nóng bỏng tranh chấp đất rừng

Ea Súp là huyện từ lâu đã nóng bỏng về chuyện gỗ lậu và phá rừng. Một số cán bộ huyện lại sở hữu nhiều đồ gỗ, trong đó phản cảm nhất là cơ ngơi của ông Trần Ngọc Quang- nguyên Chủ tịch UBND huyện, tòa ngang dãy dọc làm toàn bằng gỗ đắt tiền. Chưa có cơ quan nào vào cuộc điều tra về việc có đường dây bảo kê nào cho lâm tặc tại huyện này hay không. Còn dân chúng cho rằng một trong những người bị chém trọng thương trong vụ “hỗn chiến” từng được xem là “đàn anh” chuyên đi chiếm đất rừng và nương rẫy của người khác.

Ông Bùi Đức Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết nhiều trường hợp mua bán đất bằng giấy tờ viết tay không thông qua chính quyền, thậm chí người bán không có hộ khẩu tại địa phương, nên việc quản lý và giải quyết của xã gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp xác nhận tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng xảy ra diện rộng trên địa bàn toàn huyện. Ông Toản cho biết UBND huyện đã giao công an huyện mở chuyên án điều tra, xử lý.

Hiện nay huyện Ea Súp đã lập 2 đoàn liên ngành do kiểm lâm chủ công, để truy quét những đối tượng lấn chiếm đất rừng trái phép, chiếm cả đất của dân. “Đối với những hộ dân đã canh tác lâu năm, có hộ khẩu thường trú hợp pháp tại các xã, thì lãnh đạo huyện sẽ tính phương án bố trí đất ở và đất sản xuất cho họ”, ông Nguyễn Hoàng Giang - Bí thư Huyện ủy Ea Súp nói.

Ông Nguyễn Đình Toản, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp xác nhận tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất rừng xảy ra diện rộng trên địa bàn toàn huyện. Ông Toản cho biết UBND huyện đã giao công an huyện mở chuyên án điều tra, xử lý.

Liên quan vụ án mạng xảy ra ngày 16/12 làm 1 người chết 7 người bị thương, tới nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã bắt khẩn cấp 7 người, gồm: Phạm Thị Phượng và Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989-con bà Phượng), Nguyễn Văn Hiệp (SN 1992), Nguyễn Trọng Tố (SN 1987), Hà Văn Pha (SN 1977) cùng ngụ xã Ea Bung; Dương Văn Huấn (SN 1984) và Dương Văn Hiến (SN 1989; cùng ngụ xã Ya Tờ Mốt) để điều tra về hành vi giết người, đồng thời triệu tập thêm các đối tượng liên quan tới vụ án.