Giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn cấp tỉnh
Chiều 29/12, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành Nội vụ.
Liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, trong năm 2022, ở Bộ, ngành giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục, giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ, giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ.
Tại địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Thống kê của Bộ Nội vụ cho thấy, hiện nay còn 7.666 tổ chức bên trong sở (phòng, chi cục); 8.265 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và tương đương (gọi chung là phòng).
Trong đó, các tỉnh có kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tốt nhất là: Ninh Thuận, Bình Phước, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Hậu Giang, Kiên Giang, Sơn La, Quảng Nam, Long An. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố đã giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, số 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Thực hiện quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương, như: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nội vụ, Y tế, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, phê duyệt đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính.
Bộ Nội vụ cho biết, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so với năm 2016. Riêng năm 2022, các Bộ, ngành đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành.
Trong khi đó, ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập. Điển hình trong sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là các địa phương: Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Trị, Cao Bằng, Vĩnh Long, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thái Bình.
Các tổ chức bên trong của Bộ, ngành và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh bước đầu đã được sắp xếp thu gọn, góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Theo đó, các Bộ, ngành có điều kiện tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đối với ngành.
Về vấn đề biên chế, Bộ Nội vụ cho biết, đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016- 2021). Trong đó, các Bộ, ngành giảm 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương
Báo cáo cũng cho thấy, năm 2022, tổng biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 1.998.083 biên chế. Trong đó, biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 254.757 (Bộ, ngành Trung ương là 106.890 biên chế, địa phương là 147.867 biên chế); biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (số Bộ Nội vụ đã thẩm định) là 1.743.326 (Bộ, ngành Trung ương là 108.454 biên chế, địa phương là 1.634.872 biên chế).
Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026 và từng năm, để bảo đảm đến hết năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế công chức, giảm 10% số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đồng thời, tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền bổ sung 65.980 biên chế viên chức giáo dục cho cả giai đoạn 2022- 2026. Trong đó, năm học 2022-2023 giao 27.850 biên chế viên chức giáo dục.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, xây dựng danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã.
Đến nay, Bộ Nội vụ đã phối hợp tham gia ý kiến với các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng, hoàn thiện 13 thông tư về vị trí việc làm công chức; 18 thông tư về vị trí việc làm viên chức.
Năm 2023, ngành Nội vụ đặt ưu tiên đầu tư toàn diện cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức bộ máy, biên chế; xây dựng chính quyền địa phương, tập trung cho cấp xã, xây dựng chính quyền đô thị nhằm đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị nền hành chính các cấp.
Trình cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và hoàn thành hệ thống cơ chế, chính sách để chủ động thực hiện cải cách chính sách tiền lương nhằm đảm bảo đời sống, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực…