Đây là lần đầu tiên tỉnh Hà Nam đăng cai Liên hoan Chèo toàn quốc. Với 27 vở diễn được dàn dựng công phu, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ có nhiều cơ hội để được thưởng thức các chương trình nghệ thuật đặc sắc của 16 đoàn nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp trong cả nước. Bên cạnh đó, việc đăng cai Liên hoan cũng là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người, văn hóa và tiềm năng du lịch của tỉnh Hà Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng bày tỏ mong muốn Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 sẽ là cơ hội để quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng du lịch văn hóa đặc sắc của tỉnh Hà Nam nói riêng, của các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ nói chung.
Ông cũng khẳng định, Liên hoan không chỉ góp phần bảo tồn, tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng.
Hiện nay, du lịch Hà Nam đã được biết đến và thu hút khá đông khách du lịch với các dòng sản phẩm chính là du lịch sinh thái – tâm linh, văn hóa – lễ hội... với số lượt khách du lịch bình quân mỗi năm tăng từ 20 đến 25%.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa khẳng định, tỉnh Hà Nam tuy nhỏ về diện tích nhưng trầm tích văn hóa lại dầy, đồng thời cũng được thiên nhiên ưu đãi nhiều phong cảnh hữu tình.
Khách du lịch đến Hà Nam hiện nay tập trung đông nhất ở chùa Tam Chúc – ngôi chùa được cho là lớn nhất thế giới nằm ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng. Một địa điểm khác, được giới yêu du lịch đánh giá “lên ảnh đẹp không kém Hồng Lâu Mộng” là chùa Địa tạng Phi Lai Tự ở Liêm Sơn, Thanh Liêm. Ngôi chùa bà Đanh nổi tiếng cũng tọa lạc trên đất Hà Nam vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ nằm gọn trong một khuôn viên rộng lớn chỉ cách chùa Hương chưa đầy 10 cây số.
Rất gần đó còn có Ngũ động Thi Sơn – một hệ thống hang động liên hoàn gồm 5 hang nối liền nhau trong lòng núi Cấm, kề bên dòng Đáy đẹp kì thú không thua kém hệ thống hang động ở Vịnh Hạ Long hay Phong Nha, Kẻ Bàng.
Những khách yêu văn học thì có thể chọn cách đi chơi làng Vũ Đại của Nam Cao và Vườn Bùi chốn cũ của nhà thơ Nguyễn Khuyến – Tam Nguyên Yên Đổ. Tại Vũ Đại hiện vẫn còn ngôi nhà gỗ tuổi đời hơn trăm năm của gia đình Bá Kiến được bảo tồn nguyên vẹn. Còn nơi ở của tác giả ba bài thơ Thu nổi tiếng “Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh” - một ngôi nhà gỗ 7 gian đến nay cũng vẫn được giữ gìn cẩn thận, được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991.
Trong nhà vẫn còn lưu giữ được những trước tác của Nguyễn Khuyến, một số bút tích của Dương Khuê, ống quyển, tráp gỗ đựng sách, tấm biển "Ân tứ vinh quy", "Nhị giáp tiến sĩ" do Vua Tự Đức ban, thậm chí cả bộ triều phục của Nguyễn Khuyến...
Hà Nam còn có một nhà thờ Sở Kiện đẹp hệt như những thánh đường ở châu Âu, mới đây đang trở thành địa điểm check in vô cùng hot trong giới trẻ.
Để khách du lịch biết đến nhiều hơn các khu, điểm du lịch ở Hà Nam, thời gian vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có các giải pháp quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, xúc tiến quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi như: Đền Lảnh Giang - lụa Nha Xá; chùa Long Đọi Sơn - trống Đọi Tam; chùa Bà Đanh - gốm Quyết Thành; Khu tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao – cá kho, chuối ngự; chùa Địa Tạng Phi Lai, từ đường Nguyễn Khuyến…