Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an quy định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phải trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy, gồm: Ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ-moóc hoặc sơ mi rơ-moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ.
Việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chuyên sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, trừ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hoạt động phục vụ mục đích kinh tế - xã hội;
Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo quy định của pháp luật; Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ chở lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về Cảnh vệ.
Đại diện Cục Cảnh sát PCCC cho biết, các phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới (cụ thể là xe ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên,…); bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng đối với phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ theo quy định.
Cũng theo vị đại diện này, các phương tiện PCCC đều được quy định cụ thể cho phù hợp với từng loại xe để đảm bảo việc sử dụng thuận tiện nhất. Người lái xe có thể đặt phương tiện PCCC ở gần vị trí của người lái xe và không ảnh hướng tới thao tác lái xe, đảm bảo dễ thấy - dễ lấy - dễ sử dụng.
Đây là các bình PCCC xách tay rất gọn nhẹ nên có thể để ở vị trí hốc cánh cửa xe, dưới gầm ghế hoặc đằng sau ghế, chú ý là không để bình chữa cháy trong cốp xe, dưới gầm xe, trường hợp bình chữa cháy không đặt trong cabin mà được đặt ở ngoài phải có giải pháp che nắng, che mưa để bảo đảm tuổi thọ của bình chữa cháy.
Được biết, năm 2015 xảy ra 123 vụ cháy xe ô tô, trên tổng số hơn 2,6 triệu xe ô tô hiện đang lưu hành ở Việt Nam. Theo điều tra, hầu hết các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi xảy ra cháy đều không được trang bi các phương tiện chữa cháy cần thiết.