­­­ “Hỏi xoáy” Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

TP - Gió rét căm căm mà Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chỉ khoác bộ veston đen, bên trong là áo sơ mi, thắt cà vạt. Tôi hỏi ông có rét lắm không? Ông bảo, trong áo sơ mi đã độn áo len rồi. Rồi ông giải thích, diện thế này là để lên truyền hình.
Giáo sư N. L. Dũng tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học

> Chạy chức, chạy quyền cản đường người giỏi

Giáo sư N. L. Dũng tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.
 

Đài Truyền hình Hà Nội mở chuyên mục mới “Mr. Vitamin”, mỗi tuần một kỳ do ông phụ trách. Ông vừa vào Viện để ghi hình trong phòng thí nghiệm của mình. Tôi thật kinh ngạc.

Đã sang tuổi 74, từng đặt hai stent trong động mạch vành của tim, không hiểu ông lấy sức khỏe và thời gian đâu ra để đảm nhận nội dung cho nhiều chuyên mục ở các đài truyền hình, các báo; ngoài ra ông còn đảm đương các vai trò là Đại biểu Quốc hội 3 khóa liền, Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam 5 khóa liền, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Vi sinh vật học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ nhiệm Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân v.v. Chỉ riêng chuyên mục Hỏi gì đáp nấy ở Báo Nông nghiệp VN do ông đảm nhận, mỗi ngày đã phải viết tới 1.000 từ rồi…

Ông là chuyên gia cao cấp của Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia HN), nhưng, như chúng ta đã biết qua sách báo, qua truyền hình và diễn đàn Quốc hội, lĩnh vực nào ông cũng thông tỏ.

Ngay trong bữa ăn tất niên mới đây, chúng tôi được nghe ông nói về âm nhạc, về lịch sử, về văn chương, thậm chí ông đọc cả những bài vè trào lộng rất hóm. Gia đình ông có 7 anh em trai và một chị gái. Nếu xem họ xuất hiện trên truyền hình, không cần giới thiệu vẫn biết họ là anh em ruột, con cố Giáo sư NGND Nguyễn Lân, bởi khuôn mặt, giọng nói rất giống nhau.

Điểm giống nhau nữa ở họ là tất cả đều là giảng viên của các trường đại học lớn và đều là những nhà khoa học xuất sắc, nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng điểm khác nhau ở họ là mỗi người mỗi nghề. Người con trai cả là Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tuất, nguyên Chủ nhiệm khoa lý luận và sáng tác của Nhạc viện Novoxibiec - Nga, Phó Chủ tịch Hội người Việt ở Nga, người Việt đầu tiên được phong tặng Nghệ sĩ Công huân Nga (năm 2001).

GS Nguyễn Lân Dũng và tác giả.
 

Người con thứ hai là nữ Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (bà đã qua đời vì tai nạn giao thông), nguyên là giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người con thứ ba là ông - Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng. Người con thứ tư là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường, chuyên viên cổ nhân học, Viện khảo cổ học Việt Nam, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người con thứ năm là Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư kí các Hội các ngành Sinh học VN, giảng viên khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Người con thứ sáu là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Tráng, giảng viên bộ môn Hệ thống điện, Viện Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Người con thứ bảy là Giáo sư - Tiến sĩ - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch - Đại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam. Ông nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội.

Người con út là Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, nguyên là Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF. Một điều khá bất ngờ là, trong số họ, ngoài Giáo sư Nguyễn Lân Tuất còn có 2 nhạc sỹ nữa, Nguyễn Lân Cường - Hội viên Hội Nhạc sỹ VN và Nguyễn Lân Hùng - Hội viên Hội Nhạc sỹ Hà Nội

Có lúc, tôi chợt nghĩ, tại sao Nhà nước ta không phong tặng danh hiệu Vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho những bà mẹ sinh ra những nhà khoa học, những nghệ sỹ lớn như đại gia đình: Giáo sư Nguyễn Lân, Nhà văn Vũ Ngọc Phan, cụ Phạm Khắc Hòe v.v. nhỉ?

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các tác giả thơ tại Đài Tiếng nói VN, xuân 2012.
 

Trở lại chuyện “hỏi xoáy” Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Đã có nhiều bài viết trên các báo về năng lực kỳ lạ về ông. Làm sao một nhà khoa học đầu ngành về Vi sinh vật học và CNSH lại thứ gì cũng biết? Ai cũng được “Hỏi gì đáp nấy” (tên một chuyên mục trên báo NNVN và đã xuất bản thành 21 tập sách ở NXB Trẻ) được? Ông nói với chúng tôi, kiến thức mênh mông lắm, học cả đời không hết. Nhưng thứ gì chưa biết thì hỏi bạn bè và tra cứu trong sách báo, tra trên Internet…

Quả nhiên, khi anh Hiển (trong nhóm chúng tôi) nguyên giám đốc một đơn vị giao thông “hỏi xoáy” ông về vấn đề chống ùn tắc giao thông Hà Nội, Giáo sư liền bấm máy điện thoại: “Thăng đấy à? Có ý kiến hay lắm này. Nghe ông giám đốc giao thông nói chuyện nhá”. Anh Hiển cầm máy. Đầu kia là Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng! Giáo sư nheo mắt cười, rồi rằng:

- Các ông cứ hỏi đi. Hỏi càng khó càng tốt; để tôi làm tư liệu trả lời trên Truyền hình.

- Được rồi, em hỏi bác nhá – anh Hiển tiếp - nạm và gàu của con bò nằm ở đâu?
Giáo sư chợt sững sờ trong giây lát:

- Ừ nhỉ. Ăn mãi phở bò mà không để ý. Đây không có gu gờ (google) nhỉ? Được rồi, gọi cho ông Viện trưởng Chăn nuôi, xong ngay!

Chúng tôi can:

- Thôi, bác ơi. Đang giờ nghỉ trưa…

- Kệ chứ…

Nói đoạn, Giáo sư bấm số máy cho ông GS nguyên Viên trưởng Viện Chăn nuôi. Nghe điện thoại xong, Giáo sư cười:

- Ông Viện trưởng cũng không biết, bảo với tôi là để hỏi chuyên gia về bò rồi sẽ trả lời sau.

Thuận đà, người khác “hỏi xoáy”:

- Vậy em hỏi bác, vì sao con chó nó ăn bẩn thế, không đánh răng bao giờ mà răng nó trắng thế, chắc thế? Hàm chó vó ngựa mà.
Giáo sư bật cười:

- Anh hỏi xoáy thế, thì tôi “đáp xoay” vậy. Chó là chó, người là người. Cấu tạo của bộ răng đâu có giống nhau!

Tôi rụt rè :

- Em hỏi điều này, nếu có gì thất thố, mong bác thông cảm…

- Anh cứ hỏi đi. Tôi đã bảo, các anh hỏi càng khó tôi càng thích.

- Vậy thì em xin hỏi. Vì sao bác 17 năm là chiến sỹ thi đua, là Giáo sư được mọi người kính trọng, là Nhà giáo Nhân dân, là đại biểu Quốc hội ba khóa liền, nhưng lại không phải là Đảng viên ? Giáo sư không muốn vào Đảng hay không được vào ?

Giáo sư gãi đầu :

- Câu hỏi này tôi khó trả lời quá. Nhưng chắc chắn tôi không thể có tỳ vết gì đến nỗi không được vào Đảng. Kể cả bố tôi và Giáo sư Tôn Thất Tùng, Giáo sư Tôn Thất Bách cũng rất yêu Đảng, trọn đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân nhưng cũng có phải là đảng viên đâu. Có lẽ Đảng nghĩ ở vị thế như vậy họ tham gia Ủy ban Trung ương MTTQVN sẽ có lợi hơn chăng cho chính sách Đại đoàn kết toàn dân?

Chia tay ông, chúng tôi đều nghĩ, quả là đáng nể, không chỉ vì kiến thức rộng lớn, mà cái chính là thái độ cởi mở, không dấu dốt, và luôn học hỏi của ông.

Theo Báo giấy