Hồi sinh sau đại án

TP - Đại diện một doanh nghiệp bất động sản đầu tư vào Thủ Thiêm (TPHCM) cho biết, khốn khổ với những vướng mắc gặp phải khi đầu tư vào đây. Sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, doanh nghiệp phải liên hệ để nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Tuy nhiên, khi đó nhà dự án cũng đã bán, hợp đồng với đối tác cũng đã ký. Điều đáng nói là ngay cả khi doanh nghiệp chấp nhận nộp bổ sung nghĩa vụ tài chính cũng không biết khi nào mới được nộp. “Hiện nay, chúng tôi tiếp tục phải chờ cơ quan chức năng tính toán bổ sung. Điều đó đồng nghĩa với việc các thủ tục cấp phép sẽ phải chậm lại. Trong khi cơ hội đầu tư thì không thể kéo dài hết năm này qua năm khác”, đại diện một doanh nghiệp đầu tư vào Thủ Thiêm cho hay.

Tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri, đại diện lãnh đạo UBND TPHCM cho biết, có 66 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý bị xử lý kỷ luật do sai phạm liên quan dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm đó là quyền lợi nhà đầu tư vào dự án Thủ Thiêm được bảo đảm ra sao, được tháo gỡ vướng mắc ra sao thì vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, chưa thực sự có lời giải. Trao đổi với PV Tiền Phong, không ít doanh nghiệp đầu tư vào Thủ Thiêm cho rằng, việc xử lý sai phạm tại đây cần gắn với việc thúc đẩy phát triển của dự án, tránh tình trạng đất đai bỏ hoang, nhà đầu tư thiệt hại, lãng phí rất lớn.

Một ví dụ khác đó là 12 đại dự án thua lỗ ngành Công Thương. Tập trung xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương là một trong 6 nhiệm vụ của Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 -2020.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm triển khai tái cơ cấu, xử lý, đến nay hầu hết các dự án nói trên vẫn trong tình trạng “treo” với nhiều vướng mắc lớn, dù Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chỉ đạo với hàng loạt các cuộc họp giải quyết.

Theo các số liệu được cập nhật tại cuộc họp của Chính phủ về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương hồi tháng 3/2021, đã có 3 dự án (DAP-1 Hải Phòng, Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhiên liệu sinh học Bình Phước) ra khỏi diện theo dõi, chỉ đạo xử lý của Ban Chỉ đạo. Một số dự án đã duy trì vận hành sản xuất, có sản phẩm, giải quyết cho người lao động nhưng còn nhiều khó khăn, lỗ lũy kế lớn. Một số dự án còn dở dang hoặc dừng hoạt động. Có 5 dự án tranh chấp hợp đồng EPC đã đàm phán nhiều lần nhưng không thành công…

Điểm lại hàng loạt các đại án, các vụ sai phạm lớn thời gian qua có thể thấy phía sau các phiên tòa, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, điều mà người dân cực kỳ quan tâm đó là tiền của Nhà nước, tiền người dân nộp thuế được thu hồi lại ra sao? Làm sao để thúc đẩy nhanh quá trình xử lý các vụ việc sai phạm để góp phần giảm lãng phí, thiệt hại cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Hồi sinh các nhà máy, các dây chuyền sản xuất, các dự án đô thị bỏ hoang đang là đòi hỏi cấp bách đặt ra phía sau các đại án.