Hồi sinh hoa hồng "dại" Đà Lạt

TP - Loài hoa này còn có những tên gọi rất đáng yêu như tường vi hoặc dã tường vi - đã từng là một nét đặc trưng của Đà Lạt. Tưởng đã thất truyền, nay giống hoa hoang dã đầy sức mạnh này lại được nhân lên…
Nét duyên con gái bên bờ rào tường vi. Ảnh: Kim Anh
Nét duyên con gái bên bờ rào tường vi. Ảnh: Kim Anh.
 

Chứng nhân của bao cuộc tình

Đang là những ngày lạnh nhất ở cao nguyên lộng gió nhưng Phạm Văn cứ rủ tôi lang thang khắp phố phường Đà Lạt bằng xe máy. Chàng cựu sinh viên văn khoa không ngớt xuýt xoa trước những ta luy và bờ rào xinh xắn phủ đầy hoa dại.

“Đây mới đúng là hồn hoa xứ lạnh!” – anh nói và kể lại ấn tượng sâu sắc khi lần đầu tiên đặt chân lên thành phố hoa hơn 20 năm trước: Rời Đà Nẵng trên chiếc xe khách cà tàng, ngang qua dải đất miền trung nắng cháy, khô khát dài dằng dặc nên mình cùng đa số hành khách vô cùng mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật.

Mình chợt bừng tỉnh khi cô bạn đồng hành reo lên mừng rỡ “Sắp đến Đà Lạt rồi!” và làn gió mát ùa qua cửa sổ mang theo mùi hương thoang thoảng dịu ngọt. Cô bạn cho biết đó là hương của loài hoa hồng dại xinh xắn đang nhuộm hồng khắp triền đồi. Loài hoa này còn có những tên gọi rất đáng yêu như tường vi hoặc dã tường vi và nhiều người dân xứ lạnh mang về trồng bên bờ rào để tạo cảnh đồng thời làm ranh giới quanh nhà.

Bước chân vào giảng đường Đại học Đà Lạt, việc đầu tiên của mình là lục tìm trên sách báo những bài viết về loài hoa này. Qua đó mình được biết tường vi (Rosa multiflora) là giống hoa đồng nội hoang dại dễ trồng, thuộc họ hồng, cao 2 – 3m, quanh thân có gai nhọn và sắc, lá bẹ có khía như lá hoa hồng.

Hoa nở từng chùm ở ngọn, mỗi chùm từ 5 – 10 hoa, tuy đóa hoa không lớn như hoa hồng cao cấp nhưng sắc hoa rất tươi thắm (từ hồng nhạt đến hồng đậm) và tỏa mùi hương nhẹ nhàng, dịu ngọt.

Không chỉ gắn liền với những truyền thuyết, thiên tình sử cảm động, tường vi còn là chứng nhân của bao mối tình ngây thơ trong sáng và cả những cuộc chia ly sầu thảm. Chuyện tình của Văn cũng không phải là ngoại lệ. Anh đã tỏ tình với Lan Nhi – cô gái người Đà Lạt bên bờ rào tường vi tuyệt đẹp quanh ngôi nhà gỗ xinh xắn của gia đình nàng ven dòng suối Cam ly.

Thiếu nữ má hồng như sắc hoa tường vi ấy đã cùng anh xây mộng đẹp suốt thời sinh viên nhưng rồi tình yêu tan vỡ khi Văn trở về lập nghiệp ở quê hương miền Trung sau khi tốt nghiệp.

Thiếu nữ bên dàn hồng leo màu trắng. Ảnh: Kim Anh.
 

Dâng nhựa sống cho những loài hồng cao cấp

Hơn 5 năm sau Văn quay lại Đà Lạt thì người xưa đã lấy chồng; ngôi nhà gỗ ấy xinh xắn ngày nào không còn nữa, thay vào đó là tòa nhà 3 tầng bề thế; bờ rào tường vi thơ mộng nhường chỗ cho hàng rào bê tông vững chãi nhưng có vẻ lạnh lẽo, xơ cứng vì thiếu hồn hoa. Điều khiến Văn thêm buồn bã, thất vọng là những đồi hoa hồng dại hầu như biến mất, hàng rào tường vi trở nên hiếm hoi.

Ghé thăm làng hoa hồng Vạn Thành, chúng tôi được biết nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự phát triển mạnh của nghề trồng hoa hồng thương phẩm. Bác Ba, một cao thủ chuyên chiết, ghép hoa hồng nói: Cành hoa hồng cao cấp ra hoa đẹp nhưng rất khó tính, sức sống kém, khó tạo rễ do lượng tinh bột trong cây thấp, không đủ cho nhu cầu tái sinh cây.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu ghép cành hồng cao cấp trên thân một loài cây cùng họ khác là tường vi – loài hoa vốn có phổ thích nghi rộng, dễ sống, sinh trưởng mạnh nhằm tạo ra những loài hồng có gốc khỏe, hoa đẹp, đặc biệt là những giống hoa hồng có nhiều màu sắc, kiểu hoa khác nhau trên cùng một gốc.

Nghiên cứu này nhanh chóng được nông dân áp dụng. Đến khi diện tích vườn hồng thương phẩm tăng lên hàng chục rồi hàng trăm ha; hoa được xuất đi nhiều nước và hầu khắp các tỉnh thành ở Việt Nam thì các đồi hoa hồng dại cũng như những bờ tường vi thưa vắng dần bởi bị tận thu làm nguyên liệu để giâm và ghép cành.

Tặng hàng chục ngàn cây giống tường vi cho người dân

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng - nguyên giám đốc Sở DL - TN Lâm Đồng, Đà Lạt vốn là thành phố trong rừng và rừng ở ngay trong lòng thành phố. Nói cách khác, rừng quyết định sự sống còn của thành phố du lịch, nghỉ dưỡng này.

Thế nhưng, dân số tăng nhanh, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao cùng với sự yếu kém trong quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đã khiến diện tích rừng nội ô bị thu hẹp dần, nhiều loài hoa dại, hoa bản địa từng làm nên nét lãng mạn đặc trưng của thành phố như tường vi, đồng thảo, bồ công anh, lay ơn dại, forget me not… dần biến mất.

Sở DL - TN đã lập đề án Khôi phục, nâng cấp môi trường cảnh quan Đà Lạt - Lâm Đồng năm 2005 và định hướng đến năm 2010, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc làm sống lại những thảm hoa dại trong rừng thông; trồng các loại hoa, dây leo trên hàng rào, ta luy để mềm hóa kiến trúc đô thị và đảm bảo mùa nào phố phường Đà Lạt cũng rực rỡ sắc hoa.

UBND TP Đà Lạt đã giao cho Cty TNHH một thành viên Dịch vụ đô thị Đà Lạt sưu tầm giống hoa hồng dại ở vùng ngoại ô thành phố rồi tiến hành nhân giống hàng chục ngàn cây để trồng bên bờ rào ven nhiều tuyến đường trong thành phố; đồng thời cấp miễn phí cho người dân mang về trồng quanh nhà từ đầu mùa mưa 2011. Hiện tường vi đã phát triển tốt, bung những chùm hoa phơn phớt hồng làm dùng dằng bước chân du khách.

Lãng mạn những dàn hồng leo

Được người Pháp di thực sang Đà Lạt vào những năm 30 của thế kỷ trước, hoa hồng leo (tên khoa học là Rosa spp thuộc họ Rosaceae) với các màu trắng tinh khôi, hồng phơn phớt, đỏ pha cam… nhanh chóng thích nghi với khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt tạo nên nét duyên mới cho miền đất cao nguyên.

Tuy nhiên, sau gần trăm năm, hồng leo gần như đã thành giống hoa bản địa và dần bị thoái hóa, trở nên khó tính nên người dân ngại trồng. Loài hoa này ngày càng vắng bóng, đặc biệt là hoa màu trắng.

Tiến sĩ Hà Ngọc Mai đã lặn lội khắp vùng ngoại ô để sưu tầm một số hom hoa hồng leo trắng về nhân giống rồi trồng tại biệt thự số 9 Phù Đổng Thiên Vương để bổ sung cho bộ sưu tập các loài hoa màu trắng của mình.

Biệt thự tọa lạc ở quãng giữa con đường từ Trường Đại học Đà Lạt về ký túc xá và ngược lại nên sắc trắng tinh khôi như trang vở, như màu áo học trò của hoa hồng leo khiến nhiều sinh viên ngẩn ngơ. Có em vào tận biệt thự xin hoa về trang trí cho góc học tập của mình. Tiến sĩ đã giâm khá nhiều cành cho bạn bè cũng như tặng hom cây để người dân Đà Lạt tạo dáng cho giàn hoa hoặc bờ rào.

Dẫu không phải là hoa thương phẩm nhưng hồng leo đẹp chẳng kém các loài hồng cao cấp, hương hoa thơm hơn tường vi nên thu hút nhiều loài bướm, ong…

Rời biệt thự hoa trắng của Tiến sĩ Mai, dường như đã thỏa mãn với hành trình tìm lại các sắc hồng hoang sơ, Văn nói: Dù tình xưa chẳng thể nào nối lại nhưng hồn hoa trải dài mê mải khắp các cung đường Đà Lạt giúp mình cân bằng cảm xúc để có thể sống bình yên, thanh thản.

Theo Báo giấy